Phong cách của một khu vườn – Số 7: Vườn Nhật Bản và những nhầm lẫn phổ biến P1

Thân chào những độc giả thân yêu của Silver Cloud Garden. Cảm ơn mọi người đã đồng hành và tiếp tục đọc chuyên mục này sau 5 số liên tục phải căng não với những thông tin dày đặc và (có phần) khô khan về các phong cách cảnh quan trên Thế giới. Trong số này, tôi sẽ đem đến một bài viết dễ chịu và nhẹ nhàng hơn (hy vọng vậy). Và trong quá trình tìm kiếm ý tưởng thì một người bạn đã gợi ý cho tôi về kiểu vườn được rất nhiều người Việt yêu thích nhưng đôi khi lại không thật sự hiểu. Và đó là: vườn Nhật Bản.

 

Thật lòng mà nói thì đôi khi tôi cảm thấy không vui lắm về sự tràn lan của vườn Nhật trên dải đất hình chữ S. Không, tôi không phải là một người theo chủ nghĩa yêu nước cực đoan (Chauvinism) và cũng không bài ngoại đến mức phản đối một thứ xinh đẹp như vườn Nhật. Điều làm tôi cảm thấy không vui là cách mà nhiều người Việt Nam biến vườn Nhật thành một xu hướng kém chiều sâu, tạo nên rất nhiều khu vườn mang danh Nhật Bản nhưng chỉ có vẻ bề ngoài và chỉ để phục vụ cho nhu cầu khoe mẽ của người sở hữu. Chính sự thiếu chiều sâu và chỉ có vẻ bề ngoài đến gần như bắt chước của nhiều thiết kế đi kèm hai tiếng “vườn Nhật” đã sinh ra nhiều nhầm lẫn trong cộng đồng Cảnh quan và khiến cho những nhầm lẫn ấy đi vào tiềm thức của người Việt Nam ta. Thôi thì, như một tiếng kêu trong hoang địa, hôm nay tôi sẽ nói về những nhầm lẫn phổ biến của vườn Nhật với mong ước “to gan” về một tinh thần cầu thị nơi đọc giả:

 

Nhầm lẫn phổ biến nhất: vườn Nhật là vườn Thiền?

 

Sao? Bạn có cảm thấy sốc khi tôi bảo đó là một nhầm lẫn không? Quả thật, vườn Nhật ở thời điểm hiện tại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo Thiền tông nhưng điều đó không có nghĩa là người Nhật chỉ có mỗi vườn Thiền (Zen). Nếu bạn nghe ai đó bảo rằng vườn Nhật mang đậm chất Thiền tông nên dù có là vườn Đá (Karesansui), vườn Trà (Chaniwa hay Roji)… cũng là vườn Thiền (Zen) thì người phát biểu ra điều ấy đã sai rồi. Tại sao tôi lại dám khẳng định như vậy? Tại Thiền tông chỉ được truyền vào Nhật bản từ thời Kamakura (1192 – 1333) và thật sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghệ thuật hoa viên từ thời Muromachi (1336 – 1573). Nghĩa là, những phong cách cảnh quan được khai sinh trước đó như phong cách Đền thờ thời Heian (794 – 1185) không hề mang đậm nét Thiền tông mà chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản và nghệ thuật hoa viên Trung Quốc (bất ngờ không?).

 

Nhầm lẫn thứ hai: Hồ và đảo trong vườn Nhật mô phỏng địa hình đất nước này?

 

Hồ và đảo mà tôi nhắc đến ở đây không chỉ theo nghĩa đen mà còn là những thứ tượng trưng cho chúng như: đá và sỏi, rêu và cát… Sao? Bạn nghĩ tôi đang lộng ngôn à? Không, không phải như thế. Hãy xem tôi giải thích. Đúng là vườn Nhật Bản đã được truyền cảm hứng từ địa hình của đất nước này nhưng ngay từ ban đầu hồ và đảo không hề mô phỏng địa hình ấy. Trái lại, khi nghệ thuật hoa viên bắt đầu phát triển ở Nhật Bản dưới thời Nara (645 – 784) thì mô hình hồ và đảo là thứ mà người Nhật đã tiếp thu từ những khu vườn của Trung Quốc. Và dĩ nhiên, chúng hoàn toàn tượng trưng cho quyền lực và sự giàu có của người người sở hữu, giống như cách mà người Trung Quốc nghĩ về những non bộ khổng lồ, những hồ nước rộng lớn, những thạch phòng uy nghi… Đến thời Heian (794 – 1185), khi mà Phật giáo Tịnh độ tông có nhiều ảnh hưởng đến nghệ thuật hoa viên thì hồ và đảo trong kiểu vườn Đền thờ lại mô phỏng vũ trụ theo quan niệm của Phật giáo Bắc tông với núi Tu Di nằm trên đảo Rùa, sánh đôi cùng đảo Hạc để tạo nên một cặp Âm – Dương hài hoà. Đi xa hơn một chút nữa, khi Phật giáo Thiên tông bắt đầu truyền vào Nhật Bản rồi có nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ thì hồ và đảo đã trở thành đá và sỏi. Với những tảng đá lớn tượng trưng cho những hòn đảo hùng vĩ và bãi sỏi trắng phau tượng cho biển cả muôn trùng, vườn Khô không hề được tạo nên để mô phỏng địa hình đất nước Mặt trời mọc mà gợi lên những ý thiền trong không gian cân bằng về thị giác. Vậy nên, như đã nói ở đầu đoạn này: hồ và đảo (cùng các motif tương tự)  trong vườn Nhật không hề được tạo ra để mô phỏng địa hình đất nước này.

 

Nhầm lẫn thứ ba: Vườn Nhật thì phải có cầu sơn đỏ?

 

Phải thừa nhận rằng cây cầu gỗ sơn đỏ là một trong những yếu tố tạo hình dễ nhận biết nhất của vườn Nhật nhưng điều đó là không có nghĩa là khu vườn truyền thống nào của Nhật Bản cũng phải có một cây cầu sơn đỏ để kết nối hai phần không gian bị ngăn cách bởi mặt nước hay các yếu tố tương tự như sỏi, cát… Thật ra, cầu sơn đỏ chỉ mới xuất hiện khoảng vài trăm năm trở lại đây và được giới thiệu ra bên ngoài như một trong các yếu tố tạo nên vườn Nhật. Trước khi cầu sơn đỏ xuất hiện thì ở Nhật Bản đã có những cây cầu và gần gũi với tự nhiên hơn, như: cầu gỗ mộc, cầu đất phủ rêu, cầu đá nguyên khối…

 

Nhầm lẫn thứ tư…

 

Kỳ Phong

 
x

Get A Quote