Nhầm lẫn thứ tư: Thuỷ bồn (Tsukubai) luôn xuất hiện trong vườn Nhật?
Đây là một nhầm lẫn ít người nói ra nhưng lại nhiều người làm. Trong những khu vườn kiểu Nhật Bản đang hiện diện trên đất nước Việt Nam, thật không khó để bắt gặp thuỷ bồn (Tsukubai) đặt bên cạnh một vòi nước ống tre hay đi cùng với một chiếc gáo mộc. Và cũng không khó để ý thức rằng khu vườn có cái thuỷ bồn kiểu Nhật ấy đang nằm trong công viên, biệt thự, khu du lịch… hay thậm chí là trung tâm thương mại. Ừ thì… ta hoàn toàn có thể đoán ra ý đồ của người thiết kế là đang cố gắng tái hiện không gian văn hóa Nhật Bản thông qua những yếu tố tạo hình như thạch đăng lung (Ishi doro), thuỷ bồn, cụm đá, bãi sỏi… Nhưng một bồn rửa tay không thể tự dưng xuất hiện trong vườn cảnh như thế được, phải có lý do cho sự tồn tại của nó chứ, nhất là khi nó xuất hiện trong một không gian được tạo ra với nhiều chất xám như vườn Nhật.
Thật lòng mà nói thì tôi hoàn toàn cảm thông với những người thiết kế đã sử dụng thuỷ bồn (Tsukubai) như một vật trang trí đơn thuần nhưng cũng không thể vì thế mà bỏ qua sự thật là họ đang lãng quên hoặc phớt lờ chức năng cụ thể của nó. Vậy nên, trong khuôn khổ của bài viết này, tôi sẽ trình bày sơ lược về chức năng và vị trí vốn có của thuỷ bồn trong vườn Nhật:
Có lẽ là không khó để nhận thấy thuỷ bồn (Tsukubai) vốn được tạo ra với chức năng của một chiếc bồn rửa (thì nó đó đi chung với vòi nước ống tre và gáo mộc mà) nhưng rửa gì và tại sao phải rửa thì lại là hơi khó đoán. Nếu bạn đang nghĩ đến việc rửa chân sau một cuộc dạo chơi trong vườn thì… cũng hợp lý đấy, nhưng sai rồi. Thật ra, thuỷ bồn là một phần không thể thiếu của vườn Trà (Chaniwa hay Roji) và gần như chỉ xuất hiện trong vườn Trà. Chức năng chính của thuỷ bồn là để cho người sắp thưởng trà rửa tay và súc miệng như dấu chỉ cho của việc đã chuẩn bị một tâm hồn tinh tấn trước khi bước qua cánh cổng ngăn cách để tiền vào Trà Thất.
Nhầm lẫn thứ năm: Cách xếp đá trong vườn Nhật chỉ chịu tác động của Thiền tông và giá trị thẩm mỹ?
Nhầm lẫn này được sinh ra từ việc lý tưởng hoá tinh thần của một khu vườn Nhật. Những người tin vào nhầm lẫn này thường nghĩ rằng một không gian được tạo nên với nhiều tâm tư, lắm chất xám như vậy thì không thể bị chi phối bởi một điều gì khác ngoài những ý thiền vô biên và những giá trị thẩm mỹ đi liền với sự cân bằng bất đối xứng. Nhưng thật ra, người Nhật cũng mê tín, cũng có niềm tin dân gian giống như tất cả các dân tộc khác từng trải qua thời Trung đại. Và sự mê tín cùng niềm tin dân gian đã ảnh hưởng rất nhiều đến khu vườn của họ, nhất là với một yếu tố tạo hình luôn gắn liền với đời sống tâm linh như đá tảng. Ở đây, tôi có thể nêu ra một vài điều kiêng kị đã có từ thế kỷ thứ X (hoặc lâu hơn thế nữa) liên quan đến việc sử dụng đá trong vườn Nhật như:
-
Nếu một tảng đá có thể đứng thẳng mà lại bị xếp nằm thì ma quỷ sẽ nhập vào và gieo rắc tai họa cho gia chủ.
-
Nếu một tảng đá cao hơn bậc thềm mà lại được đặt ngay bên thềm nhà thì bất hạnh sẽ đổ xuống hết người này đến người khác (không áp dụng cho chùa hay đền thờ Thần đạo).
-
Đặt một tảng đá nằm ngay cột nhà phía Tây Nam sẽ làm cho gia đình chủ bị đau ốm triền miên.
-
Nếu một tảng đá nằm trên mặt đất mà hướng về phía Tây Bắc (nơi thường đặt nhà kho) thì của cải trong nhà kho sẽ sớm mất đi.
-
Một tảng đá cao đặt ở hướng Đông Đông Bắc (tức là Đông Bắc lệch Đông) sẽ dẫn đường cho ma quỷ vào nhà.
Nói về vườn Nhật thì ngoài những nhầm lẫn đã nêu trong hai số vừa qua, ắt hẳn sẽ còn nhiều điểm nữa. Nhưng trong khuôn khổ của chuyên mục Chuyện cảnh quan, tôi chỉ xin phép đưa ra những điều mà tôi thấy là phổ biến nhất. Những điều khác, kính mong các đọc giả thân yêu và anh chị em trong ngành Cảnh quan góp ý bổ sung thêm dưới phần bình luận để những người thuộc lớp trẻ như tôi có cơ hội học hỏi nhiều hơn nữa. Và tôi là Kỳ Phong, hẹn gặp lại mọi người trong số tiếp theo của chuyên mục Chuyện cảnh quan.
Kỳ Phong