Lại một chủ đề nữa làm tôi phân vân trước khi ngồi vào bàn máy và lục tung đống sách cũ của mình lên. Thật lòng thì không cần hỏi, tôi cũng biết vườn Hồi giáo là một cái tên xa lạ và nhiều khả năng ít nhận được sự quan tâm của các bạn đọc giả thân yêu. Nhưng nếu vì lẽ ấy mà tôi đem chủ đề này cất vào một góc tâm trí thì quả là bất công với những người trông đợi những điều mới mẻ trong hành trình mang tên “Phong cách của một khu vườn” và không công bằng với khởi nguyên của rất nhiều thứ như vườn Hồi giáo.
Nếu bạn nghĩ tôi đang nói quá khi bảo rằng một phong cách ít được biết tới (ở Việt Nam) như vườn Hồi giáo là khởi nguyên của rất nhiều thứ thì tôi sẽ mỉm cười đặt ra câu hỏi: Từ “thiên đường” trong tiếng Anh (paradise) bắt nguồn từ đâu? Phải rồi, người Anh đã mượn từ “paradis” của tiếng Pháp. Thế còn người Pháp thì sao? Họ đã kế thừa từ “paradisus” của tiếng Latin. Mà có khi, cả người Anh lẫn người Pháp đều đã mượn từ tiếng Latin. Nhưng rồi sao nữa? Người La Mã có tự nghĩ ra từ “paradisus” không? Câu trả lời hiển nhiên là: không! Như nhiều trường hợp khác, người La Mã đã mượn từ “parádeisos” (nguyên bản là: παράδεισος) của người Hy Lạp cổ. Ừ thì Hy Lạp là một trong những cái nôi của nền văn minh Tây phương nhưng họ cũng không phải là người đã sáng tạo ra từ “parádeisos”, họ đã mượn nó từ tiếng Ba Tư cổ (Avestan) và khởi nguồn của tất cả những từ vựng đã nói ở trên là “pairi-daêza”. Nhưng có một sự thật thú vị là từ “pairi-daêza” trong tiếng Ba Tư dùng để chỉ những khu vực có tường bao, mà dịch gần gũi với tiếng Việt là “sân trong”. Vậy thì:
Từ đâu mà “sân trong” của người Ba Tư cổ lại trở thành “Thiên đường” của người Anh và Pháp?
Trước tiên là “pairi-daêza” trong tiếng Ba Tư cổ không được dùng để chỉ một khoảng sân trống trải mà là một khoảng sân có trồng nhiều loại cây khác nhau hay một điền trang xanh tốt. Việc xây dựng tường rào xung quanh những khoảng sân như thế có lẽ là không khó hiểu vì ở thời nào thì người ta cũng cần ngăn trộm cắp và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của gió sa mạc. Sau đó, khi những nền văn minh cổ phát triển thành Đế chế Ba Tư đệ Nhất (First Persian Empire) hay Đế chế Achaemenes (Achaemenes Empire) thì từ “pairi-daêza” được dùng để chỉ những khu vườn rộng lớn nằm bên trong tường rào tráng lệ. Người Hy Lạp đã mượn từ “pairi-daêza” và chuyển thành “parádeisos” để chỉ một dạng công viên đặc biệt dành cho động vật rồi sau đó là công viên hoàng gia. Bên cạnh đó, người Do Thái cũng mượn từ “pairi-daêza” để chỉ những vườn cây ăn quả. Và rồi, vấn đề bắt đầu trở nên phức tạp khi văn hoá Hy Lạp ảnh hưởng mạnh mẽ đến người Do Thái. Tiếng Hy Lạp dần thay thế tiếng Do Thái cổ (Hebrew) trong vai trò ghi chép Kinh thánh. Và chuyện ấy đã dẫn đến những sai khác do sự không tương đương về ngữ nghĩa, khiến cho từ “parádeisos” trong tiếng Hy Lạp vừa được dùng để chỉ một khu vườn, một công viên theo nghĩa thông dụng vừa được dùng để chỉ vườn Địa đàng trong Kinh thánh. Mà trong Do Thái giáo (và sau này là Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Tin lành…), thiên đường có xu hướng được mô tả giống như một khu vườn hạnh phúc, là bản sao hoặc chính bản thân vườn Địa đàng. Thế là “parádeisos” trở thành “thiên đường” và nét nghĩa này đã được người La Mã, người Pháp, người Anh… sử dụng khi tạo ra các từ mượn như “paradisus”, “paradis”, “paradise”…
Bỏ qua vấn đề về dịch thuật và ngôn ngữ thì vườn Ba Tư cổ có gì đặc biệt mà người Hy Lạp phải mượn từ “pairi-daêza” của họ để chỉ công viên hoàng gia? À… thì họ chỉ có mỗi cái vườn treo Babylon nổi danh cho đến tận ngày nay thôi ấy mà (ahihi). Thông thường thì, người ta chỉ mượn một từ vựng của ngôn ngữ khác khi họ không có từ tương đương hoặc có nhưng không phổ biến, nổi bật bằng. Trong trường hợp thứ nhất, ta có thể hiểu rằng người Ba Tư đã làm vườn cảnh và công viên trước người Hy Lạp, Do Thái… Còn trong trường hợp thứ hai thì nghệ thuật hoa viên của người Ba Tư nổi tiếng hơn hẳn so với người Hy Lạp, Do Thái… Dù là trường hợp nào thì việc từ “pairi-daêza” của tiếng Ba Tư cổ được các ngôn ngữ khác vay mượn cũng cho thấy sự vượt trội của người Ba Tư trong nghệ thuật hoa viên. Để cho dễ hiểu thì chuyện này cũng giống như trường hợp chúng ta vẫn mượn những từ vựng liên quan đến công nghệ như laptop, tablet, earphone… vì các nước nói tiếng Anh nhìn chung là mạnh hơn chúng ta về mảng công nghệ (dù trong tiếng Việt cũng có từ tương đương với các từ đã kể trên).
Ảnh hưởng nổi bật nhất mà nghệ thuật hoa viên thời Đế chế Ba Tư đệ Nhất và đệ Nhị để lại là hệ thống mương dẫn nước tài tình. Và vườn Hồi giáo đã kết hợp hệ thống mương dẫn nước ấy với các nguyên tắc tâm linh để:
Kế thừa và phát huy vai trò tiên phong…
Kỳ Phong