Phong cách của một khu vườn – Số 2: Phong cách Nhiệt đới và sự xuất hiện của vườn Nhiệt đới P1

Tôi hầu như không thể tìm thấy các ghi chép về phong cách Nhiệt đới trong những cuốn sách lịch sử ngành Kiến trúc Cảnh quan. Vì nó ít được chú ý, vì nó chưa có nhiều đóng góp hay vì nó còn quá mới? Tôi không dám khẳng định khi chưa có trong tay những số liệu thống kê đầy đủ. Mà có khi, chính các sử gia của chúng ta cũng không tìm thấy những ghi chép về phong cách Nhiệt đới trong các tài liệu lịch sử nên nó đã bị bỏ qua một cách hoàn toàn thản nhiên. Và điều đó đã làm cho công việc của tôi trở nên khó khăn hơn, tôi không có một cột mốc cụ thể để nói về phong cách này, tôi chỉ có những mảnh sử rời góp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau và tất cả chỉ nói về phong cách Nhiệt đới một cách gián tiếp. Có lẽ, cụm từ “phong cách Nhiệt đới” cũng là một sản phẩm của thời hiện đại giống như tình yêu lãng mạn hay thuở niên thiếu mộng mơ. Dẫu sao thì, tôi vẫn phải hoàn thành bài viết này với tất cả sự cẩn trọng cố hữu và tâm huyết dành cho ngành Cảnh quan.


Để bắt đầu cho chặng tiếp theo của hành trình khám phá các phong cách của một khu vườn, tôi muốn đưa ra một định nghĩa hay ít nhất là một khái niệm dành cho “phong cách Nhiệt đới”. Khi tôi đặt ra vấn đề này với những thực tập sinh của mình thì các bạn ấy đã cố gắng dùng các đặc điểm như: tươi tắn, nhiều màu sắc, rậm rạp, sử dụng vật liệu tự nhiên như gỗ và đá… để cho ra một khái niệm. Những đặc điểm ấy tuy có phần đúng nhưng lại chưa đủ để phân biệt phong cách Nhiệt đới với các phong cách cảnh quan khác, vì rõ ràng là phong cách Nông thôn Anh quốc (Cottage Garden style) cũng tươi tắn, nhiều màu sắc, rậm rạp… và phong cách Địa Trung Hải (Mediterranean style) cũng sử dụng vật liệu tự nhiên như gỗ và đá. Vậy đâu đặc trưng không thể nhầm lẫn của phong cách Nhiệt đới? Xét về mặt bản chất, một khu vườn Nhiệt đới là một khu vườn được con người tạo ra với mong muốn tái hiện vẻ đẹp của rừng rậm Nhiệt đới trong chính môi trường sống của mình. Vậy nghĩa là, điều khiến cho phong cách Nhiệt đới không thể nhầm lẫn là vẻ ngoài được truyền cảm hứng từ rừng mưa Nhiệt đới. Bây giờ, hãy giữ chặt kết luận ấy trong đầu và cùng tôi dạo một vòng trong lịch sử văn minh thế giới để tìm xem:

 

Phong cách Nhiệt đới đã xuất hiện từ khi nào và khu vườn Nhiệt đới đầu tiên nằm ở đâu?

 

Chúng ta đã thống nhất với nhau rằng khởi nguyên của phong cách Nhiệt đới là những khu rừng mưa. Vậy phải chăng những cư dân bản địa của vùng Nhiệt đới là những người đầu tiên tạo ra một khu vườn cảnh mang phong cách này? Không, tôi không nghĩ như vậy. Không có một ghi chép cụ nào nói về một khu vườn rậm rạp như rừng già xuất hiện ở vùng Nhiệt đới trước thời Hiện đại, thậm chí là Hậu Hiện đại. Điểm qua một lượt các sử liệu thì vào thời Tiền sử, khi những cư dân vùng Nhiệt đới còn sử dụng công cụ bằng đá và sống bằng việc săn bắt, hái lượm thì những khu vườn chưa xuất hiện. Họ chỉ có rừng, những khu rừng nguyên sinh rậm rạp và trù phú. Đến thời Sơ sử, khi con người bắt đầu biết sử dụng kim khí và hình thành đời sống nông nghiệp thì những khu vườn ở vùng Nhiệt đới lại chỉ dùng để trồng lương thực. Và rõ ràng là vườn cảnh chỉ bắt đầu xuất kiện khi của cải thặng dư đã đủ nhiều để những người sở hữu phần lớn tư liệu sản xuất trong xã hội bắt đầu nghĩ đến chuyện thụ hưởng và những vùng dân cư đã đủ lớn để người ta không còn thấy mình đang sống giữa rừng già, nghĩa là khi mà các quốc gia nằm trong vùng Nhiệt đới bước sang Trung đại. Tới đây, cần phải lưu ý rằng những khu vườn cảnh đầu tiên đã xuất hiện ở Ai Cập và Lưỡng Hà từ thời Cổ đại nhưng cả hai khu vực ấy đều không nằm trong vùng Nhiệt đới. Đến đây, chúng ta đã tìm ra giai đoạn mà những khu vườn Nhiệt đới đầu tiên xuất hiện? Nếu bạn đang khẳng định điều đó thì tôi xin chia buồn vì có lẽ là bạn đã nhầm.

 

Hãy thử nhìn lại lịch sử của các nước Nhiệt đới một lần nữa, thận trọng và chi tiết hơn:

 

Nền văn minh sớm nhất bắt đầu ghi chép về Cảnh quan trong khu vực Nhiệt đới là Ấn Độ và những tài liệu đầu tiên nhắc đến vườn cảnh là những bộ sử thi được viết vào khoảng cuối thời đồ sắt (1800 – 200 năm trước công nguyên), khi mà Phật giáo mới xuất hiện và hệ thống Mahajanapadas bắt đầu được thiết lập. Trong hai bộ sử thi Ramayana và Mahabharata (được viết khoảng 600-500 năm trước công nguyên), các thành phố được mô tả là có đường rộng, nhà lớn, những khu vườn nở đầy hoa và những hồ nước tràn ngập sen. Nhưng lại chẳng có một dòng nào khẳng định những khu vườn ấy đang mô phỏng những cánh rừng nguyên sinh hay mang dáng dấp của một khu rừng. Có lẽ, chúng giống các hoa viên gọn gàng và nề nếp hơn những khu vườn tràn đầy sức sống hoang dã với nhiều loài cây khoe sắc. Đến khoảng thế kỷ III trước công nguyên, khi Phật giáo phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ, những khu vườn có quy mô lớn đầu tiên đã được kiến tạo bởi các vị tỳ kheo nhằm mục đích tô điểm cho các tu viện và tạo ra môi trường lý tưởng để thiền định. Nghệ thuật hoa viên phát triển trong thời đại này theo Phật giáo lan rộng khắp khu vực rồi vươn tầm ảnh hưởng đến Đông Nam Á, Trung Quốc và sau đó là Nhật Bản. Tuy nhiên, các sử liệu còn lại từ giai đoạn này đều không nói rõ về việc những khu vườn được phối kết như thế nào, có tuân thủ theo một bộ quy tắc cố định hay không. Tức là ta không có đủ căn cứ để đi đến kết luận về phong cách của những khu vườn thời Tiền – Sở sử ở Ấn Độ và các quốc gia chịu ảnh hưởng.

 

Các trường hợp tương tự cũng được ghi nhận ở các nền văn minh khác trong vùng Nhiệt đới, nghĩa là chẳng có sử gia nào ghi chép cụ thể về phong cách hay hình thức của một khu vườn. Chuyện này không đến nỗi khó hiểu vì khi mà giấy còn chưa được phát minh và việc ghi chép một đoạn văn có thể tốn rất nhiều công sức cũng như tiền của thì một tấm bia đồ sộ miêu tả đầy đủ một khu vườn rõ ràng là một thứ xa xỉ. Dĩ nhiên, nếu như tôi là một vị hoàng đế thời Sơ sử thì tôi sẽ ra lệnh thi công hẳn một vòng tròn đá như Stonehenge rồi cho khắc chi chít những đoạn văn mô tả các khu vườn mà tôi đang sở hữu. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng chỉ là một cậu bé đang bơi giữa đống tài liệu để truy tìm dấu vết của vườn Nhiệt đới trong dòng chảy không ngừng của lịch sử…

Kỳ Phong

x

Get A Quote