Phong cách của một khu vườn – Số 1: Khởi đầu cho một hành trình

Cách đây ít hôm, tôi đã có một buổi nói chuyện ngắn với những bạn thực tập sinh về kiến thức và kỹ năng mà các bạn tích lũy được sau những năm tháng mài nhẵn ghế nhà trường. Một trong số những bạn thực tập sinh ấy nói rằng mình thích phối kết một cách tự do nhiều loại cây khác nhau, không theo một phong cách cố định nhưng khi tôi bảo bạn đưa ra ví dụ thì bạn lại không thể nêu được một thiết kế hợp lí.

Thật ra, khi bắt tay vào thiết kế một khu vườn hay sắp xếp một không gian canh tác, chúng ta không nhất thiết phải định hình nó theo một phong cách đã được đặt tên nhưng cũng không thể làm một cách tùy tiện vì dù sao thì đường nét và bố cục của một khu vườn không chỉ nói lên sở thích làm vườn, tình yêu dành cho những bông hoa, sự thích thú trước những chiếc lá… mà còn gián tiếp trình bày thái độ và triết lý sống của người sở hữu. Nghĩa là, bạn thực tập sinh kia đã không sai khi nói mình muốn phối kết cây xanh một cách tự do. Trái lại, bạn còn tỏ ra là một người rất dũng cảm khi dám đi trên con đường riêng của mình.

Vấn đề ở đây là, dù có phối kết tự do thì bạn ấy cũng cần có một phong cách cá nhân để hiện cái tôi, cái đặc sắc của chính mình, để người khác không thể nói rằng bạn ấy đang làm mọi thứ một cách tùy tiện và tắc trách. Chà… vấn đề có vẻ phức tạp rồi đây. Tôi mà tiếp tục đào sâu hơn vấn đề này thì sáng mai tôi sẽ không còn nhìn thấy thực tập sinh ấy nữa, bạn ấy sẽ “trốn chạy” và tôi sẽ thành người khó ăn khó ở nhất ngành Cảnh quan trong nhiều câu chuyện kể. Nhưng nếu tôi nhắm mắt cho qua thì tôi sẽ có lỗi với ngành và với những người tin tưởng sự trợ giúp của một vài nhân viên thiết kế cảnh quan trong tương lai.

Vì lẽ đó, khi ngồi viết những dòng này tôi đã định chia sẻ thật nhiều về những kiểu vườn trên thế giới với loạt bài “Phong cách của một khu vườn” thuộc chuyên mục “Chuyện cảnh quan” của silvercloudgarden.com. Trong loạt bài này, tôi sẽ cố gắng cung cấp một cái nhìn sơ lược với lịch sử hình thành, những đặc trưng cơ bản, những chi tiết quan trọng và những loài cây phù hợp với các phong cách vườn khác nhau cho những bạn sinh viên chung ngành, những người đang tìm hiểu về văn hóa cảnh quan, những ai thích làm vườn… Còn với những vị tiền bối trong ngành, loạt bài này sẽ là một màn múa rìu qua mắt thợ để xem chơi, đọc trong lúc trà dư tửu hậu mà để mô tả thì kẻ hậu sinh này phải mượn lời của cụ Nguyễn Du:

Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh.

Trước khi bắt đầu hành trình tìm hiểu những phong cách cảnh quan thì chúng ta nên điểm qua một số vấn đề cơ bản để định hướng cho con đường phía trước của loạt bài này, như: Phong cách là gì? Thế nào là một khu vườn có phong cách…

Bỏ qua các định nghĩa dài dòng của từ điển Tiếng Việt, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể hiểu: phong cách là những gì đặc trưng và lặp đi lặp lại. Nó có tính hệ thống và thể hiện tư tưởng của con người (dĩ nhiên là một khu vườn không có tư tưởng nhưng người tạo nên nó thì có).

Vậy thế nào là một khu vườn có phong cách?

Theo tôi, một khu vườn có phong cách, trước tiên phải là một khu vườn hài hòa và thống nhất. Tại sao lại như vậy? Tại vì một khu vườn lộn xộn và chắp vá không thể có một yếu tố đặc trưng, mà “yếu tố đặc trưng” là đơn vị cấu thành nên “phong cách” (trừ khi yếu tố đặc trưng mà người thiết kế chọn là lộn xộn và chắp vá, mà chuyện đó thì sẽ sinh ra một cuộc tranh luận không hồi kết như thể quả trứng có trước hay con gà có trước). Dẫu sao thì, hài hòa và thống nhất vẫn là điều kiện cần cho một khu vườn có phong cách. Thế còn điều kiện đủ thì sao? Với tôi, điều kiện đủ của một khu vườn có phong cách là cái nhìn, là bản sắc, là ý tưởng định hình. Nghĩa là, khu vườn ấy phải thể hiện những đặc trưng của một nền văn hóa hoặc một bản sắc riêng, một cái tôi nghệ thuật. Nói tóm lại, chúng ta có thể cùng nhau phát biểu rằng: một khu vườn có phong cách là một khu vườn hài hòa và thống nhất với một cái nhìn, một bản sắc hay một ý tưởng định hình.

Tôi biết, một số độc giả thân yêu sẽ hỏi rằng: 

Tính đặc trưng của phong cách có kiềm hãm sự sáng tạo hay không?” 

Để trả lời câu hỏi, chúng ta cần hiểu: Sáng tạo là gì? Định nghĩa một cách đơn giản thì “sáng tạo” là tính từ chỉ khả năng tạo nên cái mới, cái khác biệt, cái độc đáo. Nhưng, chỉ có thế thôi thì chưa đủ. Vì sao? Vì rõ ràng là một thiết kế nhăng nhít không thể xem là một thiết kế sáng tạo dù nó thừa sự độc lạ. Thế thì một khu vườn sáng tạo còn thiếu gì ngoài cái mới? Bạn thử nghĩ xem. Tôi sẽ rất vui nếu nhận được câu trả lời của bạn ở phần bình luận. Hãy cùng nhau trao đổi để đưa ra những câu trả lời khả dĩ nhất, nói về cảnh quan một cách nghiêm túc và chuyên sâu hơn.

Và tôi là Kỳ Phong, hẹn gặp các bạn ở số tiếp theo của chuyên mục “Chuyện cảnh quan” của Silver Cloud.

Kỳ Phong

x

Get A Quote