Phong thuỷ
Hẳn nhiên là Phong thuỷ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghệ thuật hoa viên Trung Quốc vì dù sao thì đến tận ngày nay, nhiều người Trung Quốc (và cả Việt Nam) vẫn tin rằng thiết kế của một khu vườn có thể ảnh hưởng đến hoạ – phúc của chủ sở hữu dựa trên các lý luận Phong thuỷ học. Bên cạnh đó, lại cũng có những người không còn tin vào Phong thuỷ và đang cố gắng loại bỏ tầm ảnh hưởng của các lý luận cổ xưa lên những khu vườn thời hiện đại. Và sự tồn tại của hai nhóm người khác biệt về niềm tin làm việc trong cùng một lĩnh vực luôn luôn tạo ra những cuộc tranh luận nảy lửa đến mức đã có lúc người ta thoá mạ nhau cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội. Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi chỉ xin mạng phép được đưa ra một số luận giải liên quan đến Phong thuỷ để bạn đọc có một cái nhìn thông suốt hơn, tránh rơi vào mê tín dị đoan và có một vài kiến thức cơ bản để áp dụng khi thiết kế một khu vườn Trung Quốc hay bất kì kiểu vườn nào khác mà chủ đầu tư tin vào Phong thủy.
Các trường phái và lý luận của Phong thuỷ
Trước tiên, tôi nghĩ các bạn đọc giả thân mến nên biết rằng Phong thuỷ cũng có nhiều trường phái. Nghĩa là, khi bạn nghe ai đó phát biểu một điều gì đó khác với những gì bạn biết về Phong thuỷ thì có thể là bạn không sai, người ấy cũng không sai mà cả hai đang đi theo hai trường phái khác nhau. Bên cạnh đó thì lý luận thông thường của Phong thuỷ mang tính siêu hình nên việc hai người, với hai góc nhìn, hai trường phái khác nhau đi đến cùng một kết luận gần như không thể xảy ra. Vậy nên, khi buộc phải tranh luận, hãy cố gắng kiềm chế, lắng nghe và trình bày ý kiến cá nhân với tinh thần cầu thị. Mà tốt nhất là… thôi, đừng cãi! Vì Phong thuỷ phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin nên khi chủ đầu tư đã tin một ông thầy Phong thuỷ nào đó, dù ông ta có là một kẻ lừa đảo, tự xưng thì bạn cũng chẳng thể nào dùng lý luận để thay đổi niềm tin ấy được (trừ khi bạn cũng là thầy Phong thuỷ và “cao tay” hơn người kia). Nói nhiều hơn về các trường phái Phong thuỷ thì trong dòng chảy lịch sử có hai trường phái chính và có nhiều tác động nhất đến lĩnh vực này là: phái Hình Thế (phái Giang Tây) và phái Lý Pháp (phái Phúc Kiến).
Về mặt lý luận và áp dụng thực tiễn, phái Hình Thế chú trọng (dĩ nhiên rồi) hình thái, bố cục của khu đất. Phái này đã khai sinh ra lý luận Hình Pháp, dựa trên dòng chảy của sông ngòi, bố cục của đồi núi, hình dạng của đường xá… để tìm ra những nơi có phong thuỷ tốt. Đối tượng chính của lý luận Hình Pháp là sinh khí, một khái niệm đại diện cho nguồn sống, nguồn năng lượng, nguồn vinh phúc… và có đặc tính vừa giống như không khí vừa giống như nước, nghĩa là không thể nhìn thấy, không thể chạm được nhưng tồn tại và có thể di chuyển như một dòng chảy vô cùng vô tận. Nơi có phong thuỷ tốt là nơi mà dòng sinh khí chảy qua nhẹ nhàng và đều đặn như dòng sông êm đềm. Nơi có phong thuỷ xấu là nơi mà dòng sinh khí chảy qua ào ào như nước lũ hay tích lại như ao tù. Lý thuyết là như vậy, nhưng ta phải căn cứ vào đâu để phán đoán dòng chảy của sinh khí trong khi nó là thứ không thể nhìn thấy và không thể chạm vào? Chà… đây là lúc mà lý luận siêu hình xuất hiện dưới dạng phép liên tưởng. Theo những người thuộc phái Hình Thế thì sinh khí có chung một dòng di chuyển với những thứ chuyển động. Nghĩa là, nếu có một dòng sông chảy cuồn cuộn thì sinh khí cũng theo dòng sông ấy mà cuồn cuộn xuôi ra biển, nếu có một con đường thì sinh khí cũng theo những phương tiện giao thông mà chảy dọc đường đi, nếu có một cái hồ tĩnh lặng thì sinh khí cũng theo đó mà tích tụ, nếu có một cơn gió thì sinh khí cũng theo gió mà bay đi… nói như các thầy phong thuỷ xưa thì sinh khí chuyển động theo nguyên tắc: gặp phong thì tán, gặp thuỷ thì tụ (bởi vậy nên lĩnh vực này mới được gọi là “Phong thuỷ”). Nhìn chung thì kể từ lúc Dương Quân Tùng (thời Đường) khởi xướng ra lý luận Hình Pháp, phái Giang Tây đã để lại nhiều trước tác, có nhiều người nổi danh nên ảnh hưởng lớn đến Phong thuỷ hiện đại.
Phái Phúc Kiến thì lại tập trung vào Lý pháp, sử dụng các quan niệm về âm dương, ngũ hành, bát quái, hà đồ, lạc thư… để chọn hướng và căn cứ vào hướng của khu đất và mệnh của gia chủ để đưa ra kết luận về phong thuỷ. Nhìn chung thì phái này không có nhiều nhân tài nên cũng không để lại nhiều trước tác và ít có ảnh hưởng đến Phong thuỷ hiện đại. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta vẫn có nhiều người chú trọng việc coi hướng để xây nhà, lập mộ… Có thể là vì văn hoá coi hướng, chọn ngày đã ăn sâu vào tiềm thức dân ta sau hàng ngàn năm chịu ảnh hưởng của Trung Quốc…
Sơ lược về Phong thuỷ thì như thế, chắc các bạn đọc giả thân yêu cũng ít nhiều có những tiếp xúc thực tế với Phong thuỷ hay thầy phong thuỷ rồi nên tôi sẽ không nói sâu hơn về lý luận của bộ môn ấy nữa. Tôi chỉ muốn ướm hỏi rằng: Mọi người nghĩ chúng ta nên hiểu thế nào về Phong thuỷ trong bối cảnh hiện đại và áp dụng nó ra sao để kiến tạo một khu vườn vừa đúng truyền thống, vừa không rơi vào mê tín dị đoan? Hãy trả lời trong phần bình luận để tôi được tham khảo ý kiến của mọi người nhé.
Kỳ Phong