Phong cách của một khu vườn – Số 15: Vườn Trung Quốc và những ảnh hưởng của văn hoá P3

Phong thuỷ có phải là một ngành khoa học hay không?

 

Trong kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu sơ lược về hai lý luận chính của Phong thủy và đặt ra câu hỏi về việc mình nên hiểu, nên áp dụng Phong thủy như thế nào để không mê tín dị đoan. Trong kỳ này, chúng ta sẽ cùng nhau luận giải để tìm ra câu trả lời khả dĩ cho vấn đề còn bỏ ngỏ ấy.

 

Rất nhiều người, rất nhiều bài viết khi nói về Phong thủy đã gọi nó là một môn khoa học và xem nó như tinh hoa cổ học Đông phương. Đây rõ ràng là một sự thậm xưng vì bản thân Phong thủy và các lý luận truyền thống của Phong thủy không đáp ứng được định nghĩa của khoa học hiện đại (modern science). Tại sao tôi lại nói như vậy? Tại vì đúng là Phong thủy có một hệ thống kiến thức và lý luận đầy đủ, có quan sát và đúc kết (giống khoa học thuở ban sơ) nhưng lại thiếu những kiểm chứng bằng phương pháp khoa học, nghĩa là thiếu những đo lường, tính toán cụ thể (bố trí thí nghiệm) và những lý luận biện chứng. Vậy nên, Phong thủy chỉ đáp ứng yêu cầu của ngụy khoa học (pseudoscience). Mà ngụy khoa học thì dĩ nhiên không thể đồng nghĩa với khoa học.

 

Ở chiều ngược lại, không ít người đã bài xích Phong thủy như một dạng mê tín dị đoan, kịch liệt chỉ trích hoặc ôn hòa hơn là đưa ra những kết luận kiểu như “đó là vấn đề của niềm tin”. Những phản ứng kiểu ấy hẳn là không khó hiểu khi trong bối cảnh hiện đại, vẫn có những người tự xưng là “thầy phong thủy”, dùng những lý luận sặc mùi mê tín để hù dọa và moi tiền của người nhẹ dạ cả tin. Nhưng cả sự bài xích kịch liệt lẫn thái độ trung dung đều không có lợi cho nhận thức chung nếu không đưa ra những luận giải hợp lý. Dù thế nào đi nữa thì cộng đồng cũng cần được giải thích cặn kẽ để lỡ có muốn ngừng tin vào Phong thủy một cách mù quáng thì còn có một tia sáng dẫn đường.

 

Lý luận Biện chứng và Siêu hình trong Phong thuỷ

 

Như đã nói ở trên, Phong thủy hoàn toàn thiếu phương pháp khoa học, nghĩa là thiếu cả thực nghiệm lẫn lý luận biện chứng. Thực nghiệm thì dễ hiểu rồi, là bố trí thí nghiệm thực tế, đo lường và tính toán. Chẳng hạn như một nhà vật lý nào đó phát biểu rằng “Khi ta đưa con lắc dịch chuyển khỏi vị trí cân bằng theo phương nằm ngang, nó sẽ chịu một lực phục hồi do tác dụng của lực hấp dẫn và ma sát với không khí rồi lực đó sẽ đưa nó trở lại vị trí cân bằng” thì nhà vật lý ấy phải bố trí thí nghiệm để chứng minh. Nhưng khi một thầy phong thủy nói rằng: “Trồng cái cây này ở bên hông nhà, cách cửa chính 3,25m về hướng Đông Đông Bắc sẽ giúp cho mẹ con khỏi bệnh” thì ông ấy không thể bố trí thí nghiệm để chứng minh. Thế còn những lý luận biện chứng thì sao? Nhà vật lý chắc chắn sẽ dùng những lý luận biện chứng để đưa ra công thức cụ thể và dự đoán chính xác thời gian mà con lắc trở về vị trí cân bằng. Còn thầy phong thủy thì… không “chơi” với lý luận biện chứng. Ông ấy sẽ dùng lý luận siêu hình để đánh lạc hướng gia chủ và đưa ra kết luận là mẹ của người ấy sẽ khỏi (nhưng không chắc là khi nào, khỏi bệnh hay khỏi thở). Hmm… có lẽ tới đây thì tôi nên ôn lại một chút kiến thức Triết học cơ bản cho những ai đã lỡ trả hết có thầy cô cấp 3 và giảng viên đại học:

 

Lý luận Biện chứng là lý luận dựa trên việc xem xét sự vật, hiện tượng trong chính môi trường cụ thể và trong mối tương quan với các sự vật hiện tượng khác. Đây là phương mà lý luận mà các ngành khoa học tự nhiên sử dụng. Còn Lý luận Siêu hình là lý luận nghiên cứu quy luật chung của vũ trụ và áp dụng quy luật đó cho tất cả các sự vật, hiện tượng. Nghe thì có vẻ cao siêu nhưng thực tế thì lý luận siêu hình thường sa vào con đường tăm tối và mờ ảo của những thứ huyền bí, niềm tin, mê tín… vì bản thân những người sử dụng lý luận này không hề tìm thấy quy luật chung của vũ trụ (bởi vì họ không nằm ngoài vũ trụ và cũng không thể bố trí thí nghiệm ở quy mô vũ trụ) mà chỉ đưa ra được một quy luật tương đối dựa trên phép quy nạp không hoàn toàn hoặc tự khái quát hóa (một cách bất chấp) và cũng không ít khi là… tự nghĩ ra. Ấy là chưa kể kiểu lý luận này thường áp dụng một cách máy móc quy luật của sự vật hiện tượng này, lên sự vật hiện tượng khác dẫn đến những kết luận… “trời ơi”. Lấy ví dụ thế này cho dễ hiểu nhé:

 

Ngày nọ, có một nhà xã hội học chuyên sử dụng phương pháp luận siêu hình đến nghiên cứu sinh viên khoa Cơ khí. Người ấy gặp sinh viên thứ nhất là nam, sinh viên thứ hai cũng là nam, sinh viên thứ ba lại là nam… từng người một cho đến khi người ấy thấy đủ nhiều thì người ấy liền đưa ra kết luận “Cứ sinh viên khoa Cơ khí thì chắc chắn là nam”. Với kết luận ấy, người đó đến văn phòng làm bảng tổng hợp thông tin sinh viên và ở mục giới tính, người ấy điền tất cả làm nam. Đang làm việc hăng say thì bỗng nhiên có một người khác la lên “Sao bạn Nguyễn Thị X lại mang giới tính nam thế này”. Nhà xã hội học liền hỏi “Bạn ấy học khoa nào?”. “Khoa Cơ khí” – người kia đáp. “Thế thì nam chắc rồi. Quy luật chung là như vậy” – nhà xã hội học trả lời.

 

Cũng như vậy, Phong thủy sử dụng lý luận siêu hình để áp dụng vào việc thiết kế và thi công nhà ở, vườn tược, mồ mả… Chẳng hạn như khi thầy phong thủy nói “Trồng nhiều cây xanh tốt cho người mệnh hỏa vì mộc sinh hỏa” thì ông ấy đang dùng quy luật củi đốt cháy ra lửa để áp dụng cho vận số của con người và đây là lý luận siêu hình. Nếu xem xét câu nói đó bằng lý luận biện chứng thì bạn sẽ thấy nó không thuyết phục vì bạn là người chứ không phải lửa và cây bạn trồng là để làm cảnh, ăn quả, ăn lá… chứ không phải để đốt. 

 

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mọi quy luật của Phong thủy đều phản khoa học và chúng ta không thể áp dụng nó trong bối cảnh hiện đại…

Kỳ Phong

x

Get A Quote