Phong cách của một khu vườn – Số 13: Vườn Trung Quốc và những ảnh hưởng của văn hóa P1

Vườn truyền thống Trung Quốc là một trong những phong cách cảnh quan chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá. Tư tưởng truyền thống cùng niềm tin dân gian Trung Quốc tác động mạnh mẽ đến việc thiết kế và sử dụng một khu vườn, dù nó là ngự hoa viên rộng hàng trăm hecta hay chỉ là khoảng sân nhỏ nằm giữa tứ hợp viện. Đặc tính này khiến cho việc kiến tạo một khu vườn đúng với truyền thống Trung Quốc trở nên khó khăn hơn vì người thiết kế và người giám sát thi công phải có đầy đủ kiến thức về văn hoá và tín ngưỡng dân gian của đất nước này. Đó là còn chưa kể đến việc đá lũa, một trong những yếu tố tạo hình chính của vườn Trung Quốc là thứ hoàn toàn tự nhiên và độc bản, nghĩa là, không thể vẽ chính xác 100% trong các diễn hoạ 3D. Dẫu vậy, việc thiết kế và thi công một khu vườn kiểu Trung Quốc là khả thi (vì rõ ràng những khu vườn mang phong cách này vẫn còn được kiến tạo), chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản về các yếu tố văn hoá tác động trực tiếp đến khu vườn, gồm:


Văn hoá “Trị thuỷ”


Từ lúc người Hoa Hạ bắt đầu cày cấy và trồng trọt ở Trung Nguyên (vùng hạ lưu sông Hoàng Hà) thì họ đã nghĩ ngay đến chuyện trị thuỷ. Họ đào kênh, đắp đê, xây đập để ngăn ngừa nước lũ và điều tiết dòng chảy của sông ngòi. Câu chuyện sớm nhất nói về vấn đề này là “Đại Vũ trị thuỷ” đã có từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên. Trong hơn bốn ngàn năm sau đó, người Trung Quốc vẫn không ngừng trị thuỷ, không ngừng tìm cách kiểm soát thiên nhiên và đã tạo ra những công trình khổng lồ như Đại vận hà, Tam Hiệp đại bá hay Nam thuỷ Bắc điều công trình. Thật ra, chuyện này vốn không khó hiểu vì theo cách canh tác Nông nghiệp của Trung Quốc thì thành bại của việc trị thuỷ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực và tác động đến sự tồn vong của một triều đại. Và chính tầm quan trọng cùng tác động mạnh mẽ của việc ấy đã khiến cho tư tưởng Nông nghiệp truyền thống ăn sâu vào tiềm thức người Trung Quốc. Đối với tư tưởng này thì tự nhiên có thể chế ngự được (giống như cách mà Đại Vũ đã trị thuỷ từ bốn ngàn năm trước) và con người hoàn toàn có thể kiểm soát thiên nhiên để phục vụ cho đời sống của mình. Nền văn hoá được sinh ra là từ tư tưởng ấy, tôi gọi là văn hoá Trị thuỷ.


Đọc đến đây, hẳn là bạn sẽ tự hỏi “văn hoá Trị thuỷ” thì liên quan gì đến Nghệ thuật Hoa viên? Dĩ nhiên là có thì tôi mới nêu ra ở đây và phải quan trọng thì mới đưa nó lên trên đầu chứ đúng không. Bình tĩnh ăn miếng bánh, uống miếng nước rồi nghe tôi “hạ hồi phân giải” nè. Văn hoá Trị thuỷ trước tiên xuất phát từ Nông nghiệp (như đã nói ở trên) và Nghệ thuật Hoa viên thì cũng tách ra từ Nông nghiệp kể từ khi con người trồng những loài cây cảnh. Vậy là có liên quan rồi đó. Khoan! Khoan! Đừng vội bỏ sang trang khác đọc nhé vì đoạn sau sẽ còn lý thú lắm.


Quay trở lại với tác động của văn hoá Trị thuỷ tới cảnh quan và Nghệ thuật Hoa viên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng những khu vườn truyền thống Trung Quốc phục vụ cho tư tưởng của con người nhiều hơn là tận dụng tự nhiên. Đúng, vườn Trung Quốc luôn mô phỏng tự nhiên với những núi đá hùng vĩ, những bờ hồ uốn lượn, cây xanh, thuỷ đình,… Tất cả tạo nên một quang cảnh tráng lệ nhưng hoàn toàn nhân tạo. Nghĩa là, với vườn Trung Quốc, một cảnh trí có thể được tạo ra hoàn toàn theo ý kiến của người thiết kế hoặc hưởng dụng chứ không hề dựa trên các điều kiện địa hình tự nhiên. Nói một cách đơn giản hơn thì khi thi công vườn Trung Quốc ở nơi có đồi, bạn có thể bạt phẳng ngọn đồi đó, ở nơi không có hồ, bạn có thể đào hồ, ở nơi có một rừng cây, bạn có thể chặt hết cây để xây non bộ… miễn là chủ đầu tư thấy thích. Phải, tôi biết là ở Việt Nam rất nhiều người làm như vậy khi thiết kế và thi công tất cả các kiểu vườn khác nhau chứ không riêng gì vườn Trung Quốc. Nhưng ít nhất thì việc bạt phẳng để xây dựng lại từ đầu không đúng với tinh thần của những kiểu vườn khác (nghĩa là chúng ta đang làm sai). Dù ít dù nhiều thì vườn Nhật, vườn Anh, vườn Ý… cũng có một sự tôn trọng nhất định đối với tự nhiên và trong tư tưởng chính của các nền văn hoá tạo ra những kiểu vườn ấy thì tự nhiên không phải là để chế ngự.


Tại sao tôi lại nhắc đến ảnh hưởng của văn hoá Trị Thuỷ ở trước nhất? Tại vì nó đưa ra một tiền đề rất quan trọng đối với vườn Trung Quốc và cả các loại hình nghệ thuật khác mà tôi phát biểu như sau: Trong nghệ thuật truyền thống Trung Quốc, những thứ phản ánh thế giới tinh thần như: ý niệm, ý nghĩa, niềm tin, tín ngưỡng… quan trọng và có nhiều ảnh hưởng hơn là những thứ phản ánh thế giới vật chất như: tỉ lệ, tỉ xích, hiện trạng, cấu trúc… Do tiền đề này mà trong hội họa truyền thống Trung Quốc, ta có thể bắt gặp những nhóm người có kích thước to – nhỏ khác nhau theo cấp bậc chứ không phải là theo kích thước thực tế. Và cũng vì tiền đề này, mà trong không ít trường hợp, người thiết kế một khu vườn Trung Quốc phải giảm bớt các tiêu chuẩn về thẩm mỹ, công năng, tỉ xích… để nhường chỗ cho các lý luận về hình tượng, Phong thuỷ, kiêng kị…

Kỳ Phong


x

Get A Quote