Brown Tài Ba – Lancelot Brown (1715 – 1783)
Brown Tài Ba (Capability Brown) là tên mà dân Anh dùng để gọi Lancelot Brown (1715 – 1783), người đưa vườn phong cảnh Anh chạm tới đỉnh cao về mặt diễn đạt. Trong những thiết kế của ông, cảnh quan không còn là phương tiện để diễn tả một câu chuyện mà là chính câu chuyện ấy, tình tự và đậm chất thơ.
Điều mà ông quan tâm nhiều nhất khi bắt tay vào công việc thiết kế là sự hài hòa của đường nét. Chính vì thế mà những khu vườn do ông kiến tạo nên đều mượt mà và uyển chuyển với những con đường uốn lượn, những dòng nước quanh co và sự chuyển tiếp nhẹ nhàng của cao độ. Ông loại bỏ tất cả những gì còn sót lại của kiểu vườn họa tiết, đưa bãi cỏ đến gần ngôi nhà và tạo nên những mặt nước rộng để cân bằng với công trình kiến trúc. Có thể nói, thiết kế của Brown nhẹ nhàng như khung cảnh một đôi tình nhân dìu nhau đi trên những triền dốc thoai thoải, tiến về phía một hồ nước trong xanh có đôi ba nếp nhà xinh xắn… một khung cảnh thích hợp để dạo chơi và tận hưởng vẻ đẹp thanh bình của miền quê. Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen có cánh thì cũng không ít người đánh giá thiết kế của Brown quá “trống trải” và nhàm chán. Họ bảo rằng một khu vườn do ông tạo ra thì chẳng có cảnh vật tự nhiên nào để ngắm nhìn ngoài những dải đất uốn lượn nhẹ nhàng và đôi ba cụm cây thưa thớt. Và chính những khen – chê đi cùng sự thành công trong nghệ thuật hoa viên đã biến Lancelot Brown thành tâm điểm của cuộc tranh luận về:
Bản tính của một khu vườn
Cuộc tranh luận này đã có từ những ngày đầu tiên của vườn phong cảnh Anh khi lý luận chống chủ nghĩa hình thức và kiểu vườn họa tiết phân hóa theo hai hướng: tự nhiên và tranh vẽ. Trường phái tự nhiên, với đại diện thành công nhất là Lancelot Brown, đưa vườn phong cảnh đến gần với sự hài hòa và cảm giác yên bình của nông thôn nước Anh. Đối với trường phái này thì thiên nhiên quả thật là “Thần khí của khu vườn” giống như Alexander Pope từng viết trong “Thư gửi bá tước Burlington” năm 1731. Trong khi đó, trường phái tranh vẽ, dưới sự ảnh hưởng của tranh phong cảnh Pháp cuối thế kỷ XVII và sự du nhập của vườn Trung Quốc, đã ủng hộ việc kiến tạo những khu vườn huyền bí, nhiều cảm xúc và sở hữu những khung cảnh kỳ vĩ. Đối với trường phái này thì một thiết kế phải đẹp như một bức tranh phong cảnh, nghĩa là phải khác với cái mà tự nhiên đã có.
Vào nửa sau thế kỷ XVIII, khi mà sở thích làm vườn và việc sở hữu một khu vườn ảnh hưởng đến địa vị xã hội của một người Anh thì cuộc tranh luận về bản tính của khu vườn trở nên nghiêm túc và quyết liệt hơn. Năm 1772, William Chambers (1723 – 1796) cho xuất bản cuốn “Bàn về Nghệ thuật Hoa viên Đông phương”, khởi xướng phong cách vườn huyền bí kiểu Trung Quốc để đối trọng với phong cách tự nhiên của Lancelot Brown. Trong cuốn sách này, ông phê bình những thiết kế của Brown là không khác gì với những thứ sẵn có ngoài tự nhiên. Mà như thế thì không phải là một khu vườn đúng nghĩa vì một khu vườn phải có sự can thiệp trực tiếp của con người, tức là có một phần của tính nhân tạo. Những người khác như Uvedale Price (1747 – 1829) và Richard Payne Knight (1751 – 1824) cho rằng kiểu vườn tự nhiên của Brown hoàn toàn thiếu nét riêng. Họ và những người ủng hộ yêu cầu một khu vườn phong cảnh phải có những hình ảnh gai góc, những yếu tố đối lập mà một người họa sĩ thường thể hiện trong tranh. Hay nói cách khác là họ bảo vệ tư tưởng: một khu vườn phong cảnh phải đẹp như tranh vẽ. Tư tưởng này đã được William Gilpin (1724 – 1804) ủng hộ, cụ thể hóa và mở rộng định nghĩa trong những cuốn “Quan sát sông Wye, và những nơi khác của miền Nam xứ Wales, chủ yếu liên quan đến vẻ đẹp như tranh” với tên gọi “Picturesque” (nghĩa là: Đẹp như tranh vẽ). Đi xa hơn thế kỷ XVIII một chút, khi mà cuộc tranh luận nảy lửa về phong cách thiết kế cảnh quan được khơi mào một lần nữa và cuối thế kỷ XIX, những người ủng hộ phong cách Picturesque mà tiêu biểu là John Claudius Loudon (1783–1843) đã đưa lý luận của mình lên một “tầm cao mới”.
Vào thời điểm đó, Loudon là một tác giả viết rất nhiều và rất có ảnh hưởng, ông phê bình phong cách tự nhiên của Brown Tài Ba, đứng về phía Uvedale Price và dần có cảm tình với bố cục hình khối trang trọng của vườn cổ điển Pháp, Ý… Để rồi cuối cùng, ông đưa ra định nghĩa về “Gardenesque”, một phong cách xem từng cây riêng lẻ như một tác phẩm nghệ thuật và dàn đều theo hình khối trên một bãi cỏ rộng, nghĩa là không có sự phối kết. Dĩ nhiên, kết quả là một khu vườn không có cấu trúc rõ ràng và trông chẳng khác gì một bãi tập kết cây xanh. Để hiểu được “tầm cao” của phong cách này thì có lẽ là tôi phải mượn lời của William Robinson (1838 – 1935) vì ông đã gọi cách sắp đặt cây theo phong cách Gardenesque là “hạ thấp nghệ thuật hoa viên thực thụ xuống tầm thiết kế của một đầu bếp làm bánh ngọt”. Ông còn ám chỉ những người ủng hộ phong cách Gardenesque chỉ nên giới hạn bản thân trong việc thiết kế giấy dán tường và thảm (nghĩa là không gian 2 chiều), chứ đừng có đụng tới cảnh quan (nghĩa là làm việc với không gian 3 chiều). Chúng ta không cần phải đi xa hơn trong tiến trình lịch sử để thấy rằng phe Tranh vẽ đã có những bước đi thiếu sáng suốt, làm cho kiểu vườn mà họ ủng hộ mất dần ảnh hưởng rồi biến mất. Còn về phe Tự nhiên, họ đã kịp thời có thêm một cái tên nổi bật nữa trước khi thế kỷ XVIII kết thúc:
Humphry Repton (1752 – 1818)
Repton là một nhà văn có học thức và một họa sĩ tài năng trước khi chuyển sang thiết kế cảnh quan ở tuổi 36. Ông là người đầu tiên tự giới thiệu nghề nghiệp của mình là thiết kế vườn phong cảnh, “chỉnh sửa” những chỗ không hoàn hảo của tự nhiên. Chính vì từ “chỉnh sửa” ấy mà phong cách của Repton có thể xem là sự dung hòa giữa chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa hình thức. Thêm vào đó, khi sự nghiệp cảnh quan đã phát triển, Repton đã không còn tạo nên những khu vườn hoàn toàn tự nhiên mà mang những chi tiết của kiểu vườn hình học quay trở lại để tạo sự tương phản cho tiền cảnh. Nhưng về mặt lý luận thì ông ủng hộ Brown Tài Ba và chống lại những người theo phong cách Picturesque. Ông đã cho xuất bản những lý thuyết của mình để bảo vệ những thiết kế của Brown và của bản thân ông trong cuộc tranh luận ác liệt về những phong cách vườn vào cuối thế kỷ XVIII. Và như đã nói ở trên thì phần thắng đã thuộc về Humphry Repton. Sự thành công và sức ảnh hưởng của Repton đã biến ông thành nhà thiết kế vĩ đại cuối cùng của vườn Phong cảnh kiểu Anh thuở ban sơ. Có thể nói, những khu vườn do ông vẽ ra là tiền thân của nhiều phong cách phức tạp và chiết trung hơn trong thế kỷ XIX. Nhưng đó là một câu chuyện khác…
Kỳ Phong