Phong cách của một khu vườn – Số 5: Vườn phong cảnh kiểu Anh và cuộc tranh luận về bản tính của một khu vườn P2

  • Trang chủ
  • Blog
  • Chuyện cảnh quan
  • Phong cách của một khu vườn – Số 5: Vườn phong cảnh kiểu Anh và cuộc tranh luận về bản tính của một khu vườn P2

Bên cạnh tranh phong cảnh thì sự ảnh hưởng của thơ ca đến Vườn Phong cảnh Anh quốc giai đoạn đầu là không thể phủ nhận.


Sau những chuyến du ngoạn đến vùng Địa Trung Hải và những cuộc dạo chơi trên đất Ý, nhiều quý tộc Anh đã ấn tượng và tỏ ra thích thú với cách mà người Ý gửi gắm vào khu vườn ý thơ của các thi sĩ thời La Mã cổ đại như Publius Ovidius Naso (Ovid), Publius Vergilius Maro (Virgil), Gaius Plinius Caecilius Secundus (Pliny the Younger)… Chính vì thế mà những khu vườn Anh đầu thế kỷ XVIII do các quý tộc “mở hầu bao” cũng mang nhiều hàm ý tương tự. Việc này, xét về bản chất thì không thống nhất với những lời chỉ trích gay gắt thuở ban đầu khi nhắc đến các kiểu vườn ngoại quốc trên đảo Anh. Nhưng nói cho cùng thì kiểu vườn mang nhiều ẩn ý đó không hề được nhân rộng vì các tiểu điền chủ, những người đầu tư xây dựng phần lớn các vườn cảnh vào nửa sau thế kỷ XVIII, không đủ khả năng và cũng không sẵn sàng học cách hiểu những câu thơ cổ. Dù sao thì họ cũng nhận được một nền giáo dục khiêm tốn hơn tầng lớp quý tộc và không có sở thích nghiên cứu về văn chương. Dẫu vậy, tính thơ ca trong vườn Phong cảnh Anh quốc là không thể thiếu trong suốt thế kỷ XVIII và người tiên phong trong việc kiến tạo một khu vườn phong cảnh đậm chất thơ là:


William Kent (1685 – 1748)


Kent khởi đầu sự nghiệp của mình dưới vai trò một họa sĩ rồi du học Ý mười năm trước khi trở về Anh với công việc vẽ tranh và thiết kế sân khấu. Ông chuyển sang thiết kế cảnh quan khi đã không còn trẻ nhưng vẫn là người tiên phong trong công cuộc dung dị hóa nghệ thuật hoa viên, tạo ra những khu vườn “không cần tiêu chuẩn hay phương pháp” cứng nhắc.


Trong khoảng thời gian ở Ý, ông đã có dịp nhìn thấy sự suy tàn phủ lên những khu vườn Phục Hưng bị bỏ hoang vẻ ngoài huyền bí và cuốn hút, suy tư về một khung cảnh mà sự đổ nát, lộn xộn cùng tồn tại bên cạnh những đường nét gọn gàng và trật tự. Khi bắt tay vào thiết kế những khu vườn, ông dụng tâm tái tạo những hình ảnh đó bằng cách không ngần ngại thêm vào những di tích nhân tạo (fabrique) hay thậm chí là trồng một cái cây chết để tạo nên cảm giác chân thực nhất cho người thưởng ngoạn. Thăm thú khu vườn do ông thiết kế, khách tham quan sẽ tiến vào con đường đi qua các phân cảnh của một vở kịch lớn. Với kinh nghiệm và kỹ năng của một họa sĩ và một người thiết kế sân khấu, Kent biết cách tạo ra những góc nhìn lý tưởng để minh họa cho một phân cảnh, một áng văn, một ý thơ hay một sự kiện lịch sử. Dĩ nhiên, không phải ý tứ ẩn dụ nào cũng dễ hiểu nên Kent đã “hỗ trợ” người thưởng ngoạn bằng cách đặt ra những cái tên gợi ý như “Cánh đồng Elysian” hay “Sân Praeneste”. Ờ thì… cũng không dễ hiểu lắm, nhất là với những người không học về văn chương cổ điển Tây phương như chúng ta.


Bên cạnh đó, Kent còn dùng những điểm phối cảnh chéo bên ngoài “cảnh trí” để thu hút những người đang dạo chơi tiến tới và bất ngờ trước một khung cảnh hoàn toàn khác nằm cách chỗ họ vừa đứng không xa. Chính nhờ kỹ thuật đó mà ông có thể mang tới nhiều trải nghiệm, mở ra nhiều khung cảnh trên một diện tích vườn khiêm tốn. Sự thành công của ông và kiểu vườn được thiết kế như một chuỗi tranh phong cảnh đậm chất thơ ca đã tạo ra động lực phát triển mạnh vẽ của vườn Phong cảnh Anh quốc vào thế kỷ XVIII. Và người đưa phong cách này đạt tới đỉnh cao là:


Brown Tài Ba – Lancelot Brown (1715 – 1783)

Kỳ Phong


x

Get A Quote