Phong cách của một khu vườn – Số 4: Vườn phong cảnh kiểu Anh và cuộc tranh luận về bản tính của một khu vườn P1

  • Trang chủ
  • Blog
  • Chuyện cảnh quan
  • Phong cách của một khu vườn – Số 4: Vườn phong cảnh kiểu Anh và cuộc tranh luận về bản tính của một khu vườn P1

Tôi đã phân vân rất nhiều trước khi chọn Vườn Phong cảnh kiểu Anh (English Landscape Garden) làm chặng tiếp theo trong hành trình tìm hiểu về các phong cách của một khu vườn vì ở Việt Nam, không có nhiều người biết đến nó. Trong các cuộc trò chuyện thông thường lúc trà dư tửu hậu hay trong những cuốn sách về Kiến trúc Cảnh quan, người Việt Nam thường chỉ nhắc đến Vườn Cổ điển Pháp (Jardin à La Française) khi nói về nghệ thuật hoa viên của châu Âu hay thậm chí đồng nhất tất cả những khu vườn có lịch sử lâu đời ở châu lục này thành một kiểu đối xứng và trật tự với cái tên “vườn Âu”. Mà như vậy nghĩa là trực tiếp bỏ qua những kiểu vườn hấp dẫn đã có từ thời Trung cổ hoặc Cận đại như vườn Phong cảnh, vườn Nông thôn Anh quốc… hay vườn Nhiệt đới. Thật ra, chuyện đó không khó hiểu vì sự nổi tiếng và ảnh hưởng sâu rộng của phong cách Cổ điển Pháp trên khắp lục địa già là không thể phủ nhận được. Nhưng đa số không có nghĩa là tuyệt đối. Và với những người thích dạo chơi trong một hoa viên dịu dàng, thư giãn bằng cách ngắm nhìn những khung cảnh đẹp như tranh vẽ thì vườn Cổ điển Pháp không phải là một lựa chọn tối ưu, ngay cả khi họ đang sở hữu một căn biệt thự mang phong cách Âu châu. Vậy nên, trong số thứ tư của loạt bài “Phong cách của một khu vườn”, tôi sẽ dẫn mọi người dạo quanh những vùng ngoại ô xinh đẹp của nước Anh để tìm hiểu về một phong cách vườn phù hợp với người thích ngao du, ngắm cảnh và sở hữu một điền trang rộng lớn.

 

Những khu vườn cảnh có quy mô lớn đầu tiên trên đảo Anh xuất hiện vào thời Phục Hưng, khi mà những tiến bộ về khoa học và tư tưởng đã thách thức cả trật tự xã hội lẫn đức tin Công giáo. Bắt đầu từ những khu vườn mê cung và những cụm cây tạo hình vào thế kỉ XVI, đến kiểu vườn pha trộn có chừng mực những phong cách châu Âu vào thế kỉ XVII, nghệ thuật hoa viên ở vương quốc Anh đã được đà phát triển và lan rộng vào thế kỉ XVIII, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Tại sao lại như vậy? Chẳng phải là phần lớn tài sản của quốc gia đều đổ về thành thị hay sao? Chẳng phải thành thị đông đúc và ngột ngạt mới cần mảng xanh hay sao? Thế thì điều gì đã làm cho nghệ thuật hoa viên phát triển mạnh mẽ ở nông thôn Anh quốc vào thế kỷ XVIII? Nếu bạn cũng đang thắc mắc điều đó thì hãy cùng tôi nhìn vào bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Vào cuối thế kỉ XVII, những biến động chính trị sau cuộc cách mạng năm 1688 đã làm nhiều quý tộc Anh đã bắt đầu chuyển sang chăm chút cho những dinh thự nông thôn thay vì giành chỗ trong cung điện hoàng gia, đặc biệt là những người theo đảng Whig. Bên cạnh đó, ảnh hưởng trực tiếp của việc trao đất thuộc sở hữu tập thể cho một số cá nhân theo Bộ luật Hợp thức hóa Đất đai đã tăng cường tiềm lực kinh tế và chính trị cho tầng lớp tiểu địa chủ, mở đường cho những điền trang rộng lớn thuộc sở hữu tư nhân ở Anh vào đầu thế kỷ XVIII. Bối cảnh ấy đã biến nông thôn nước Anh thành nơi mà những kiến trúc sư và nghệ nhân làm vườn có thể tìm thấy nhiều cơ hội và triển khai nhiều ý tưởng mới. 

 

Tại sao lại là những ý tưởng mới nhỉ? Kiểu vườn pha trộn, mang hơi hướng chiết trung của thế kỷ XVII đâu rồi? Sao người ta không tiếp tục tạo ra những khu vườn kiểu đó vào thế kỷ XVIII? Ai đã khiến người Anh thay đổi gu thưởng thức nghệ thuật hoa viên? Câu trả lời nằm trong nền chính trị đầy biến động của thể chế Quân chủ Lập hiến còn non trẻ. Hay nói rõ ràng hơn thì:

 

Chính trị Anh vào thế kỷ XVIII đã mở đường cho sự khai sinh của Vườn Phong cảnh

 

Bên cạnh việc kêu gọi một nền chính trị cởi mở hơn thì những tên tuổi lớn trên chính trường và trong dư luận lúc bấy giờ cũng lên tiếng cho một phong cách cảnh quan tự do hơn, tự nhiên hơn và Anh hơn. Khởi đầu với phản đối kịch liệt của Joseph Addison, Alexander Pope, Anthony Ashley Cooper… về tình trạng độc tôn của các kiểu vườn ngoại quốc trên đảo Anh, tiếp nối bằng sự nhạo báng công khai các kiểu vườn tạo hình, giới tinh hoa Anh quốc đã nêu ra tư tưởng xem tự nhiên là “Thần khí của khu vườn”, là lực lượng “tạo ra nghệ thuật từ mỗi cái cây mà con người trồng xuống”. Vậy là triết lý chung cho sự cải tổ việc thiết kế cảnh quan đã hình thành. Nhưng người ta không thể tạo ra một khu vườn chỉ với triết lý, người ta còn cần đường nét, bố cục và màu sắc. Mà những chính trị gia thì thường không rành về chuyện ấy. Đổi lại thì, họ có những bức tranh. Tại sao tôi lại nói như vậy? Tại vì những bức tranh làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn: Từ cuối thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỉ XVIII, người dân Anh rất thích, thậm chí là tôn sùng những bức tranh phong cảnh của các họa sĩ Pháp như Claude Lorrain và Nicholas Poussin vì sự pha trộn khéo léo giữa khung cảnh đồng quê và hình tượng anh hùng. Và bởi vì thế mà chúng ta có thể tự tưởng tượng rồi ngầm hiểu rằng những khu vườn phong cảnh đầu tiên ở Anh đã được tạo ra từ các yêu cầu đại khái như: “Ta muốn có một khu vườn trông giống bức tranh phong cảnh này”. Mà lỡ có không phải như thế thì chính Alexander Pope đã nói “làm vườn là vẽ tranh phong cảnh” và Horace Walpole đã nhận định trong Tiểu luận về Nghệ thuật Hoa viên Hiện đại (xuất bản năm 1771) rằng: các tác phẩm của nhà văn John Milton và tranh phong cảnh của Claude Lorrain đã ảnh hưởng đến sự phát triển của Vườn Phong cảnh Anh quốc…

Kỳ Phong

 

 

 

x

Get A Quote