Phong cách của một khu vườn – Số 3: Phong cách Nhiệt đới và sự xuất hiện của vườn Nhiệt đới P2

Vườn phong cảnh kiểu Anh

Ở số trước, chúng ta đã cùng nhau bơi ngược dòng lịch sử để tìm kiếm những ghi chép đầu tiên nhắc đến vườn cảnh ở khu vực Nhiệt đới nhưng không thu được một khẳng định nào về sự diện của một phong cách cảnh quan vào thời Tiền – Sở sử. Trực tiếp bỏ qua giai đoạn Cổ – Trung đại, khi mà những khu vườn ở vùng Nhiệt đới chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ tôn giáo. Trong số này, chúng ta sẽ tìm kiếm sự xuất hiện của phong cách Nhiệt đới ở một thời kỳ có nhiều ghi chép hơn, và đó là:


Thời Cận đại.


Nếu như bạn còn nhớ những bài học lịch sử mà thầy cô đã cố gắng hết sức để nhét vào trong đầu tụi học trò thì hẳn là bạn sẽ nhận ra tôi đang nói đến thời kỳ của những phát kiến địa lý, hay còn gọi là Thời đại Khám phá (Age of Discovery). Trong thời kỳ này, dưới sự thúc đẩy của nhu cầu thương mại và sự hỗ trợ của những tiến bộ về kỹ thuật hàng hải, rất nhiều nhà thám hiểm đã ra khơi, Bartolomeu Diasc đã đi từ châu Âu đến Ấn Độ Dương bằng đường biển, Christopher Columbus đã tìm ra châu Mỹ, Ferdinand Magellan và sau đó là Sebastián Elcano đã hoàn thành chuyến hải trình vòng quanh thế giới… Họ, những nhà thám hiểm, đã tìm ra nhiều vùng đất mới, xác lập nhiều tuyến đường giao thương, mang về châu Âu nhiều sản vật lạ và các mẩu chuyện khó tin về thế giới nằm bên ngoài những tấm bản đồ được vẽ từ thời Trung cổ. Và chính những câu chuyện khó tin ấy đã thúc đẩy các nhà khoa học lên đường, thu thập mẫu vật và kiểm chứng. Đến lượt mình, các học giả kiêm nhà thám hiểm mang về châu Âu hàng ngàn bản vẽ của các loài động – thực vật chưa từng được biết đến, những ghi chép cẩn thận, và xác thực hơn là: những mẫu vật còn sống, những hạt giống của hàng trăm loài cây đến từ vùng Nhiệt đới. Người Việt Nam chúng ta phát cuồn vì sự quyến rũ của những loài hoa Ôn đới thế nào thì người châu Âu cũng say mê vẻ đẹp của những chiếc lá đến từ vùng Nhiệt đới như thế. Rất nhiều người mong muốn sở hữu những loài cây Nhiệt đới trong khu vườn của mình hay ít nhất là một tập bản vẽ chi tiết để tự hào đặt lên kệ sách như một món đồ chơi thời thượng. Đặc biệt là tầng lớp quý tộc, họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền để mua sách của Pierre-Joseph Redouté (1759 – 1840), Karl Friedrich Philipp von Martius (1794 – 1868)… tán gẫu hàng giờ liền về những chuyến thám hiểm, say sưa lắng nghe những câu chuyện là thường bên kia bờ đại dương. Không ít người trong số họ đã sẵn lòng chi rất nhiều tiền để sở hữu một mẫu vật sống hay thậm chí là làm hẳn một căn nhà kính rộng lớn chỉ để trồng các loài cây đến từ vùng Nhiệt đới như đã từng làm với các loài thuộc chi Citrus.


Vào thế kỉ XIX, khi nhà kính dần trở thành một không gian công cộng và sự tiến bộ về kỹ thuật đã cho phép các kỹ sư xây dựng những căn nhà kính đủ cao để trồng các loài cây thuộc họ Cau (Arecaceae) thì vương quốc Anh bắt đầu hành động. Họ không chỉ mang hàng ngàn cổ vật từ khắp nơi trên thế giới về trưng bày trong Bảo tàng Anh (The Bristish Museum) mà còn đem cả cánh rừng Nhiệt đới đến Vườn Thực vật Hoàng gia Kew (Royal Botanic Gardens, Kew) để phô trương thanh thế. Sự xuất hiện của một căn nhà kính trồng toàn những loài cây “kỳ lạ” không chỉ thể hiện sự “vươn xa” của vương quốc Anh trên con đường thực dân mà còn nói lên sự kiểm soát tuyệt đối của chính quốc với môi trường và hệ thực vật của các nước thuộc địa. Thời điểm này, những ngôi nhà kính trồng toàn cây Nhiệt đới được nhắc đến nhiều tới nỗi trong tiếng Anh, người ta đã tạo ra hẳn một từ để nói về chúng, và đó là: 


Palm house (nhà cọ).


Đến đây, chúng ta hoàn toàn có thể thống nhất với nhau rằng những khu vườn Nhiệt đới đầu tiên đã xuất hiện vào thế kỷ XIX dưới dạng palm houses – những căn nhà kính đủ cao để trồng các loài cây thuộc họ Cau (Arecaceae) với không gian mô phỏng một khu rừng Nhiệt đới. Tuy nhiên, câu trả lời chung chung này hẳn là không thỏa mãn sự tò mò của phần lớn đọc giả và làm mọi người cảm thấy khó chịu vì đã tốn công đọc một bài viết rất dài nhưng lại chẳng tìm thấy một thông tin rõ ràng và cụ thể trả lời cho câu hỏi phong cách Nhiệt đới đã xuất hiện từ khi nào và khu vườn Nhiệt đới đầu tiên nằm ở đâu. Để mình không bị bóc phốt trên các diễn đàn về Cảnh quan và trang silvercloudgarden.com này không bị spam tập thể, tôi sẽ lục tung đống tài liệu một lần nữa để tìm ra câu trả lời chính xác dù cặp mi mắt đã nặng trĩu như hai quả tạ đơn treo lơ lửng.


Thật ra, khi chúng ta đã khoanh vùng được đối tượng cụ thể là palm house thì việc trả lời câu hỏi trên không còn khó khăn nữa, chúng ta chỉ cần tìm ra căn palm house đầu tiên được khánh thành là xong. Theo bạn thì căn palm house tên gì? Nếu bạn đang nghĩ tới cái căn to đùng trong Vườn Thực vật Hoàng gia Kew mà tôi nhắc tới ở trên thì bạn lại sai rồi, đó chỉ là căn palm house thứ hai được đưa vào sử dụng trên thế giời. Căn palm house đầu tiên được khánh thành là căn nằm trong Vườn Thực vật Belfast (Belfast Botanic Gardens) ở Bắc Ireland. Nó được thiết kế bởi Charles Lanyon, thi công bởi Richard Turner và hoàn thành vào năm 1840, nghĩa là sớm hơn 8 năm so với căn palm house của Vườn Bách thảo Hoàng gia tại Kew (khánh thành năm 1848).


Sau gần 200 năm, cả căn hai palm house của Vườn Thực vật Belfast và Vườn Thực vật Hoàng gia Kew đều vẫn còn hoạt động. Như thuở ban đầu, chúng vẫn đang nuôi dưỡng một khu rừng Nhiệt đới bên trong những tấm kính được nâng đỡ bởi giàn thép sơn trắng. Bước qua cánh cửa cầu kì của một trong hai căn palm house nói trên, bạn sẽ bắt gặp bộ sưu tập đồ sộ các loài thực vật Nhiệt đới được phối kết như thể đang sống trong tự nhiên, những con đường lát đá, cầu thang và thác nước nhân tạo. Và bạn sẽ nhanh chóng nhận ra sự khác biệt giữa palm house và một khu vườn Nhiệt đới hiện đại vì rõ ràng là chúng được phối kết theo hai tinh thần khác nhau với những loài cây cũng ít nhiều khác biệt. Vậy sự khác biệt ấy từ đâu mà có? Phải chăng vườn Nhiệt đới đã thay đổi theo thời gian và biến thiên cho phù hợp với nhu cầu hưởng dụng của thị dân? Quá trình ấy diễn ra như thế nào? Và đâu là những thay đổi tạo nên vườn Nhiệt đới Đương đại? Tôi sẽ rất vui nếu lần này chính các đọc giả thân mến vào trả lời giúp tôi trong mục bình luận. Hãy lên tiếng để cùng tôi nói sâu hơn về chủ đề này nhé. Và tôi là Kỳ Phong, hẹn gặp các bạn ở số tiếp theo của chuyên mục “Chuyện cảnh quan”.

Kỳ Phong


x

Get A Quote