Đường nét và bố cục truyền thống
Sao? Các bạn nghĩ là mình đã thoát khỏi Phong thuỷ sau bốn số liên tiếp khi thấy tôi dùng từ “truyền thống” à? Chẳng có chuyện ấy đâu. Ừ thì đúng là tôi dùng từ “truyền thống” vì những điều mà tôi sắp trình bày bắt nguồn từ văn hoá lâu đời của Trung Quốc. Nhưng đã nói về văn hoá Trung Quốc thì không thể nào tránh khỏi Triết lý Âm Dương, một trong những khởi nguyên của nền văn hoá này và là nền tảng cốt lõi của Phong thuỷ.
Từ ngàn xưa, Triết lý Âm Dương đã tác động đến mọi mặt của đời sống vật chất và tinh thần ở Trung Quốc. Mà triết lý này lại hướng đến sự hài hoà mà người xưa vẫn hay diễn giải là “cân bằng Âm – Dương”. Vậy nên, hẳn là chẳng lạ gì khi ngay cả trong nghệ thuật hoa viên, người Trung Quốc cũng hướng đến sự cân bằng và hài hoà.
Trước tiên là ở hình dạng của khu vườn, đối với người Trung Quốc và Phong thuỷ học thì khu vườn hoàn hảo nhất là khu vườn có mặt bằng hình tròn. Tại sao lại như vậy? Tại vì khi khu vườn có hình tròn thì mọi phân khu chức xanh, cây xanh, hồ nước… đều có thể dễ dàng chia đều và tạo ra sự cân bằng thị giác. Giải thích theo Phong thuỷ thì trong một khu vườn có hình tròn, sinh khí sẽ dễ dàng lưu chuyển một cách đồng đều đến tất cả các ngóc ngách, kể cả những nơi xa nguồn sinh khí nhất. Chính vì vậy mà xét về mặt hình dạng thì sự hoàn hảo của một khu vườn sẽ giảm dần từ hình tròn > hình bầu dục > hình bát giác > hình lục giác > hình vuông > hình chữ nhật > bất định. Quy tắc này về sau cũng được áp dụng cho những đối tượng có kích thước lớn như hồ nước, bãi cỏ hay công trình xây dựng.
Thế lỡ như bạn không có điều kiện để mua một mảnh đất hay xây một ngôi nhà hình tròn thì sao? Ờ thì… đa số nhà và đất không tròn trịa. Nhưng Phong thuỷ không chỉ nêu ra nguyên tắc mà còn đưa ra cách khắc phục những khu đất có hình dạng bất định. Vẫn hướng đến sự hài hoà theo Triết lý Âm Dương, Phong thuỷ và Nghệ thuật Hoa viên Trung Quốc phát biểu rằng nơi nào có quá nhiều góc cạnh thì bổ sung những đối tượng mềm mại như con đường uốn lượn, bụi cây tròn tròn, hồ nước cong cong… và nơi nào có quá nhiều đường cong hoặc góc vườn nào nằm ở nơi quá khuất thì dẫn ngay một con đường thẳng chạy vào để bổ sung sinh khí. Chính vì thế mà đường nét của vườn Trung Quốc không phải lúc nào cũng uốn lượn như nhiều người lầm tưởng mà cân bằng giữa cong và thẳng, giữa ngắn và dài, giữa to và nhỏ, giữa cao và thấp… (nói chung là giữa các cặp đối lập) để tạo nên sự hài hoà tổng thể.
Các phép bổ cứu
Sự hài hoà của Triết lý Âm Dương còn tác động đến cách mà các nghệ nhân Trung Quốc bổ sung vật dụng trang trí cho một khu vườn cảnh. Và dĩ nhiên, lý luận về sinh khí lại được dùng để giải thích như sau:
Các vật dụng trang trí cũng được cấu thành bởi Âm và Dương. Việc một dụng thiên về Âm hay Dương là do đặc tính động – tĩnh, vuông – tròn, nặng – nhẹ… của chính vật ấy. Góc vườn nào bị nặng nề, tụ khí (thừa âm) thì bổ sung vật dụng dương tính, góc vườn nào bị nóng nực, sôi động quá (thừa dương) thì bổ sung vật dụng mang tính âm.
Cụ thể hơn, đối với những góc vườn có một con đường thẳng, nắng chiếu nhiều, dòng người di chuyển nhanh… (nghĩa là thừa dương) thì ta có thể bổ sung một bồn nước, một hồ nước yên bình, một bức tượng, một tảng đá (là những đối tượng thiên về âm)… để làm dịu sự nhộn nhịp, bổ sung thêm yếu tố tĩnh nhằm cân bằng âm dương. Ngược lại, đối với góc tường nằm khuất xa đường chính, nhiều cây cối rậm rạp, có một tảng núi lớn… (tức là thừa âm) thì ta nên bổ sung một dòng suối, một chiếc chuông gió, một loài hoa sặc sỡ, ánh sáng, gió… (là những đối tượng thiên về dương) để bổ sung sinh khí cho âm dương cân bằng.
Những phép bổ cứu kiểu này, dưới góc nhìn của phương pháp luận Biện chứng, chính là cách mà người nghệ nhân Trung Quốc thuở xưa mang đến một khu vườn vừa cân bằng về thị giác vừa cung cấp trải nghiệm đa dạng.
Kỳ Phong