Phong cách của một khu vườn – Số 17: Vườn Trung Quốc và những ảnh hưởng của văn hoá P5

Điều hòa Sinh khí

 

Như đã nêu ra ở kỳ số mười bốn của loạt bài này, Sinh khí là yếu tố chính quyết định một ngôi nhà, một khu vườn, một môi trường sống… có phong thuỷ tốt hay xấu. Nơi nào dòng sinh khí lưu chuyển hài hoà, vừa đủ thì nơi đó có phong thuỷ tốt, còn nơi nào dòng sinh khí ào ào như nước lũ hay ứ lại như ao tù thì nơi ấy có phong thuỷ xấu. Nhưng cái tốt – xấu trong Phong thuỷ phải nhìn vào tổng thế chứ không thể xem xét một góc nhỏ duy nhất rồi đưa ra kết luận. Nghĩa là, muốn biết một khu đất có phong thuỷ tốt hay xấu, ta phải xem xét những dòng sinh khí của toàn bộ khu đất đó và mối tương quan của chúng với môi trường xung quanh. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng sinh khí là một khái niệm trừu tượng, không thể nhìn thấy, cũng chẳng thể chạm vào thì làm sao chúng ta có thể xem xét và điều chỉnh được?

 

Để đánh giá và điều chỉnh dòng Sinh khí, các thầy phong thuỷ đã đưa ra một hệ thống lý luận phức tạp và tương đối đầy đủ dựa trên phương pháp luận Siêu hình, xem Sinh khí như một dòng chảy năng lượng với các quy luật mang tính ước đoán và kinh nghiệm. Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi xin phép được lược qua những lý luận nguyên bản theo kiểu Siêu hình luận để giải thích cho các bạn đọc giả dưới góc nhìn của phương pháp Biện chứng với các nội dung sau:

 

Hướng của Sinh khí

 

Theo lý luận Siêu hình thì Sinh khí có thể tiến vào khu vườn của bạn thông qua con đường chính, khe hàng rào, xuyên qua tán lá hoặc luồn qua ô cửa… Nó lưu chuyển trong khu vườn của bạn rồi lại đi ra bằng một hướng nào đó hoặc tụ lại ở một nơi nhất định. Khí đến vườn, có thể thiên về âm, cũng có thể thiên về dương, có thể mạnh, cũng có thể yếu… tuỳ vào hướng và cách mà nó chảy đến. Trước tiên, chúng ta luận giải về hướng của Sinh khí.

 

Theo quan niệm dân gian Trung Quốc thì bốn phương được canh giữ bởi Tứ Thánh thú gồm: Thanh Long (hướng Đông – hành Mộc), Bạch Hổ (hướng Tây – hành Kim), Huyền Vũ (hướng Bắc – hành Thuỷ) và Chu Tước (hướng Nam – hành Hoả). Sinh khí theo gió đến từ phương nào thì sẽ chịu ảnh hưởng của con vật canh giữ phương đó. Nghĩa là:

  • Sinh khí đến từ hướng Đông của Thanh Long mang đặc tính của hành Mộc sẽ kích thích sự sinh sôi nảy nở của cây cối, hoa màu.
  • Sinh khí đến từ hướng Tây của Bạch Hổ sẽ mang đặc tính của hành Kim, mạnh mẽ và hỗn loạn, không tốt cho cây xanh nhưng với lượng vừa đủ thì có thể giải quyết những nơi bị tụ khí (kiểu như nó sẽ thổi sạch đám khí bị tụ đi ấy).
  • Sinh khí đến từ hướng Nam của Chu Tước là cát khí, mang đặc tính của hành Hoả, đến cùng sự phát triển mạnh mẽ (như lửa cháy) nhưng nếu nhiều quá thì có thể gây thừa khí.
  • Sinh khí đến từ hướng Bắc của Huyền Vũ sẽ mang đặc tính của hành Thuỷ, có tính dưỡng dục, ấp ủ nhưng ảm đạm và dễ bị tụ lại.

 

Xem xét những lý luận này dưới góc nhìn biện chứng, chúng ta có thể hiểu rằng người Trung Quốc đã lấy Trung Nguyên (hạ lưu sông Hoàng Hà) làm trung tâm để phát triển học thuyết Phong thuỷ. Đứng trên đồng bằng Trung Nguyên, họ thấy gió Đông thổi từ biển vào là gió mùa Xuân, ngọn gió mang đến sự sinh sôi nảy nở nên họ gán cho nó hành Mộc mặc dù từ Trung Nguyên nhìn ra thì hướng Đông là mênh mông biển nước, là nơi cư ngụ của loài rồng theo quan niệm dân gian. Thế là họ “giao” phương Đông cho Thanh Long, một sinh vật sống dưới nước nhưng mang hành Mộc. Tương tự như vậy với phương Bắc là nơi khởi nguồn của gió lạnh mùa Đông, phương Tây với cao nguyên Tây Tạng là nơi mà những cơn gió dữ dội và phương Nam là vùng Nhiệt đới với những cơn gió ấm và thảm thực vật phong phú.

 

Chính nhờ những quan sát và phân tích hướng gió cụ thể mà Phong thuỷ cho ra những quy tắc bố trí xung quanh lối vào vườn như sau:

  • Nếu lối vào bắt đầu ở hướng chính Đông: hãy bố trí cảnh quan hai bên đường sao cho thật thông thoáng, gọn gàng để vượng khí có thể đi vào một cách thuận lợi. Tuy nhiên, để tránh trường hợp dòng sinh khí chảy quá mạnh, hãy bố trí một lớp rào thưa, một tảng đá nhỏ hay một bức tượng thanh mảnh để làm vật tiết chế.
  • Nếu lối vào bắt đầu ở hướng chính Tây: hãy làm một chiếc cổng nhỏ bằng sắt hoặc bằng lưới mắt cáo để cản trở dòng khí dữ dội, phân tán nó ngay khi vừa tiến vào. Tuyệt đối không thiết kế giàn hoa hay hay vòm cây với lối vào hướng này vì chúng sẽ đóng vai trò như một đường hầm dẫn hung khí chạy thẳng vào vườn. Cũng không nên làm một cánh cổng kiên cố, kín mít vì một thứ như thế sẽ dẫn đến việc tụ khí ở cả trong và ngoài khu vườn. Thêm vào đó là bất cứ khi nào cánh cổng ấy được mở ra thì dòng khí sẽ tràn vào như nước lũ.
  • Nếu lối vào bắt đầu ở chính hướng Nam: hãy làm một cánh cổng thấp để dòng dương khí mạnh mẽ có thể chảy vào khu vườn của bạn. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng thừa dương khí, hãy trồng những loài cây cao có bóng mát ở hai bên đường để làm dịu dòng sinh khí.
  • Nếu lối vào bắt đầu ở hướng chính Bắc: hãy làm một cánh cổng thật rộng, trồng những loài cây bụi thấp và gọn gàng để sinh khí có thể đi vào khu vườn của bạn. Sinh khí đến từ hướng Bắc thường chậm và yếu, nên trong trường hợp cần thiết, bạn nên bổ cứu bằng cách thêm vào một dòng chảy hay một vật có thể chuyển động hoặc phát ra âm thanh như chong chóng, chuông gió…

 

Dĩ nhiên, những quy tắc vừa nêu đã được giải thích theo lý luận siêu hình của Phong thuỷ về Sinh khí nhưng khi chúng ta xem xét dưới góc nhìn biện chứng của khoa học về gió và hướng gió ở Trung Nguyên thì những quy tắc trên là hợp lý. Đây có thể xem là một trường hợp khác cách giải nhưng cùng một kết quả. Và trùng hợp thay, gió và hướng gió ở nước ta cũng có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc: hướng Đông của chúng ta cũng là biển, hướng Tây của chúng ta cũng là núi, hướng Bắc của chúng ta cũng lạnh và hướng Nam của chúng ta cũng nóng. Có lẽ chính vì thế mà các quy tắc về hướng của Phong thuỷ có thể áp dụng ở nước ta và chúng ta cũng có những thầy phong thuỷ nổi danh trong quá khứ. Vậy nên, khi bạn muốn kiến tạo một khu vườn truyền thống Trung Quốc hoặc bất kỳ một kiểu vườn nào khác trên đất nước Việt Nam mà chủ đầu tư tin vào Phong thuỷ, bạn có thể áp dụng những quy tắc đã nói ở trên.

 

Nhưng la bàn đâu phải chỉ có 4 hướng chính (4 phương). Thế còn 4 hướng phụ là: Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam thì sao? Thật ra, Phong thuỷ học cũng đã xây dựng quy tắc cho 4 hướng phụ kể trên nhưng về cơ bản thì hướng phụ cũng chỉ là sự kết hợp của hướng chính như kiểu hướng Đông Nam là sự kết hợp giữa Đông và Nam, giữa Thanh Long và Chu Tước, nghĩa là vừa kích thích sự sinh sôi nảy nở vừa là cát khí, nhưng nhiều quá sẽ dẫn đến thừa dương khí, làm mất sự thư giãn của khu vườn. Các hướng còn lại cũng có thể suy luận bằng phương pháp Siêu hình như Phong thuỷ hoặc chuyển sang lý luận Biện chứng của bộ môn Hướng dòng, Thông gió…

Kỳ Phong

x

Get A Quote