Phong cách của một khu vườn – Số 16: Vườn Trung Quốc và những ảnh hưởng của văn hoá P4

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mọi quy luật của Phong thủy đều phản khoa học và chúng ta không thể áp dụng nó trong bối cảnh hiện đại. Có những quy luật Phong thủy vượt qua “sự kiểm định” của lý luận biện chứng và đến gần với khoa học.

Một ví dụ mà tôi hay nói đến là câu “chuối sau cau trước”. Bản thân câu châm ngôn này vốn đã là một ví dụ cho Phong thủy Việt Nam vì nó không dùng lý luận hình pháp hay lý số cố hữu của Phong thủy Trung Quốc mà dùng những kiêng kị của người dân Nam Bộ. Câu này, nếu giải thích theo phương pháp siêu hình của người dân Nam Bộ thì “chuối” gần âm với “chúi” (người Tây Nam Bộ phát âm hai từ này giống hệt nhau), trồng ở trước nhà là chúi đầu nên phải trồng ở phía sau. Còn “cau” thì gần âm với “cao” (người Tây Nam Bộ cũng phát âm hai từ này giống hệt nhau), phải trồng ở trước nhà để còn ngước đầu lên cao. Còn xem xét dưới góc nhìn của phương pháp luận biện chứng thì cây chuối thấp mà lá lại to, trồng ở trước nhà sẽ làm cản trở ánh sáng và gió, làm cho ngôi nhà trở nên ẩm thấp, có hại cho sức khỏe, thành ra phải trồng ở sau nhà và cách ra một khoảng. Còn cau là cây cao, tán nhỏ, trồng ở trước nhà thì nắng và gió vẫn có thể lưu thông hài hòa, tạo ra một môi trường sống tốt cho sức khỏe. 

Một ví dụ khác gần với vườn Trung Quốc và Phong thủy nguyên bản hơn là việc tránh những khu đất có một con người dẫn thẳng đến cổng hay cửa trước. Giải thích theo phương pháp siêu hình (và truyền thống) thì việc kiêng kị này do con đường cũng là một thứ quyết định dòng chảy của sinh khí. Sinh khí theo con đường chạy thẳng vào nhà sẽ có tốc độ cao và cường độ lớn. Điều ấy là không tốt vì dòng sinh khí mạnh quá sẽ gây hại cho gia chủ. Vậy nên, người ta thường tránh những khu đất có đường đâm thẳng vào cổng, thường bố trí một bức bình phong ở trước nhà và thiết kế một con đường uốn lượn dẫn từ cổng vào sân trước. Cũng là việc kiêng kị ấy, khi đem luận giải bằng phương pháp biện chứng thì chúng ta thu được kết quả là những con đường dẫn thẳng vào cổng khu đất sẽ đặt gia chủ vào tình thế rủi ro vì một số phương tiện lưu thông trên đường không kịp đánh lái hoặc bị mất kiểm soát có thể đâm thẳng vào. Trường hợp tương tự cũng có thể xảy ra với đường dẫn từ cổng vào sân trước nên việc làm một con đường uốn lượn và dựng một bức bình phong là hợp lý. Bên cạnh đó thì một con đường uốn lượn có trồng cây hai bên và một bức bình phong trước nhà còn làm tăng tính riêng tư của không gian bên trong. Vậy nên, việc làm như thế là hợp lý.

Qua hai ví dụ kể trên, ta có thể thế thấy không phải tất cả các quy luật của Phong thủy đều sai, chỉ là chúng đã bị giải thích bằng lý luận siêu hình nên mới trở thành huyền bí, huyễn hoặc và có phần mê tín. Trong bối cảnh hiện đại này, để kế thừa và phát huy những tinh hoa cổ học, chúng ta nên đem các lý luận Phong thủy ra xem xét dưới góc nhìn biện chứng của khoa học và áp dụng một cách có chọn lọc để đạt được kết quả tốt nhất về cả công năng và thẩm mỹ. Sau đây là một vài quy luật Phong thủy mà tôi nghĩ là vẫn còn phù hợp với xã hội hiện đại và có thể áp dụng để kiến tạo một khu vườn Trung Quốc (hay bất kỳ kiểu vườn nào khác mà chủ đầu tư tin vào Phong thủy):

Triết lý Âm Dương

Triết lý Âm Dương là tư tưởng cốt lõi của Phong thuỷ, được phát triển và truyền bá bởi Đạo giáo. Theo triết lý này, thì mọi vật trong vũ trụ đều được cấu thành từ hai nguyên tố cơ bản là Âm và Dương. Hai thứ này tồn tại như hai mặt đối lập trong cùng một vật thể, trái ngược về bản chất nhưng hài hoà về quan hệ. Do tỉ lệ của Âm và Dương trong vạn vật thường không bằng nhau nên có những vật thiên về Âm và có những vật thiên về Dương. Nhưng tuyệt đối không có vật nào thuần âm hay thuần dương vì không có đủ cả âm dương thì không làm nên vật. Cũng theo triết lý Âm Dương thì một khu vườn, một ngôi nhà, một môi trường sống tốt là nơi mà âm – dương hài hoà, sinh khí lưu chuyển nhẹ nhàng và đều đặn. Vậy thế nào là âm – dương hài hoà?

Để áp dụng Triết lý Âm Dương cho khu vườn của mình, người Trung Quốc xưa đã phân chia các loại cây, vật dụng trang trí, yếu tố tạo hình thành hai loại: thiên về âm và thiên về dương. Theo cách phân loại của họ thì những thứ càng sáng, càng nóng,  càng rực, sàng động, càng tròn, càng khô… là càng dương, còn những thứ càng tối, càng lạnh, càng chìm, càng tĩnh, càng vuông, càng ướt… là càng âm. Để cân bằng âm – dương trong khu vườn của mình thì người thiết kế phải biết phối kết hài hòa các loại cây xanh, vật dụng, yếu tố… có đặc tính âm – dương khác nhau. Nói một cách đơn giản hơn là phối cây có màu sắc sặc sỡ với những cây có màu sắc chìm hơn, phối những vật góc cạnh với những vật tròn trịa, phối hồ với núi… để tạo nên một tổng thể hài hoà. Bởi vì nếu khu vườn bị thừa dương (quá sặc sỡ, quá góc cạnh, quá nhiều núi…) hay bị thừa âm (quá u ám, quá tròn trịa, quá nhiều hồ…) thì đều không tốt. Tuy nhiên, ở đây cũng cần lưu ý rằng một vật có thể âm khi so sánh với vật này nhưng lại dương khi so sánh với vật khác. Nghĩa là, tính âm – dương của vật này còn phụ thuộc vào mối tương quan với vật khác. Ví dụ như cái thuỷ đình hình lục giác khi so với cái hình tròn thì là âm, nhưng khi so với cái hình vuông thì lại là dương. Hay như bông hoa màu hồng nhạt, khi so với bông hoa màu xanh thì là dương, nhưng khi đem đi so với bông hoa màu đỏ thì lại là âm. Chính quy tắc này đã làm cho việc cân bằng âm – dương trong một khu vườn trở nên khó khăn hơn và ít nhiều mang cảm tính.

Soi chiếu Triết lý Âm Dương dưới góc nhìn của phương pháp luận Biện chứng, chúng ta có thể hiểu rằng người xưa đang muốn hướng đến sự hài hoà và cân bằng của màu sắc, hình khối và cảm quan của khu vườn. Vậy nên, để đơn giản hoá thì hãy nhớ nằm lòng là một khu vườn truyền thống Trung Quốc hoặc được xây dựng theo Phong thuỷ phải: Cân bằng và hài hòa trong mọi mặt

Kỳ Phong

x

Get A Quote