Phong cách của một khu vườn – Số 12: Nghệ thuật hoa viên Hồi giáo – khởi nguyên của… rất nhiều thứ P4

Hành trình của cam, chanh…


Trong tiềm thức của người Việt Nam chúng ta, trái chanh hình bầu dục có núm ở hai đầu (lemon) là chanh Âu, chanh Mỹ, chanh vàng… vì nó gắn liền với Tây phương và thường không có màu xanh như chanh ta (lime). Bên cạnh đó thì đại đa số người Việt Nam mặc định rằng chanh vàng là loại cây của vùng Ôn đới, chỉ có thể sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ ở nơi có khí hậu mát mẻ gần như suốt năm và có mùa Đông lạnh. Chính bản thân tôi cũng từng nghĩ như thế cho đến một buổi chiều Đông lạnh lẽo, tôi đội gió bước đi trên con đường mòn uốn lượn của đồi Petrisberg để tìm đến tủ sách công cộng nằm trong khu dân cư phụ cận đại học Trier (Đức)…


Hôm đó, trong lúc lục lọi những thùng sách cũ mà người khác đem tới, tôi đã vô tình nhìn thấy một cuốn sách lớn có tựa đề rất dài với hình vẽ cây lá trên tấm bìa cứng đã phai màu. Vốn yêu thích những nội dung liên quan đến thực vật, tôi mở ra và ngay chương đầu tiên đã bị cuốn hút bởi hành trình của chi Citrus. Nhờ chương sách ấy mà về sau, tôi biết rằng tất cả các loài thuộc chi Citrus như: cam, chanh, chúc, quýt… đều bắt nguồn từ vùng Nhiệt đới hoặc Cận nhiệt như Nam Á, Đông Nam Á…  Vậy do đâu mà những loài ấy có thể “du hành” đến châu Âu và thích nghi với khí hậu Ôn đới? Câu trả lời hẳn là không khó đoán vì dù sao thì bài viết này cũng có tiêu đề. Nghĩa là, tôi lại đang chuẩn bị nói về người Ả Rập và nghệ thuật hoa viên Hồi giáo.


Thông qua những tuyến đường giao thương thời Cổ đại, các loài thuộc chi Citrus đã du nhập vào bán đảo Ả Rập và trở thành một trong những dòng cây ăn trái được ưa chuộng. Sau đó, khi mà nền văn minh Hồi giáo của người Ả Rập tràn qua Bắc phi rồi Nam Âu vào thời Trung cổ thì những vườn cam, vườn chanh… bắt đầu xuất hiện vòng quanh Địa Trung Hải. Nếu mọi người còn nhớ thì trong kỳ trước, tôi đã nhắc đến vườn cam của nhà thờ Hồi giáo thành Córdoba như một trong những ví dụ sớm nhất của kiểu hành lang vòm (Patio). Sang kỳ này, tôi muốn nói thêm về khu vườn ấy như một trong những ví dụ xa xưa nhất của những khu vườn trồng các loài thuộc chi Citrus ở Nam Âu. Trong khu vườn ấy, cam được trồng thẳng hàng với nhau và với hàng cột chống của hành lang, tạo ra một cái nhìn xuyên suốt từ bên này sang bên kia khu vườn và đảm bảo tính trật tự cũng như sự thống nhất cố hữu của nghệ thuật hoa viên Hồi giáo. Dưới những gốc cam, hệ thống kênh dẫn nước đều tăm tắp được thiết kế để giúp cây chống chịu với mùa hè khô nóng kéo dài của vùng Địa Trung Hải. Mô hình này về sau được tiếp thu bởi chính các tu viện Công giáo rồi (bằng một cách nào đó) trở thành trào lưu trong giới quý tộc châu Âu. Có lẽ, chính các ông hoàng, bà chúa, công tước, hầu tước… cũng muốn sở hữu một vườn cây độc lạ đến từ một vùng đất xa xôi để chứng minh quyền lực cùng sự giàu sang của mình với tầng lớp quý tộc và giáo sĩ.


Thế thì tại sao một vườn cam, chanh… lại chứng minh quyền lực và sự giàu sang? Trước tiên, câu trả lời đến từ giá thành của những loại quả thuộc chi Citrus khi chúng vừa mới được đem đến châu Âu. Chúng mới mẻ, chúng có màu vàng, màu cam bắt mắt, chúng thu hút được những người lắm tiền muốn nếm thử hay chỉ đơn giản là muốn xếp lên một cái đĩa vàng, mâm bạc… để trưng bày trong một buổi dạ hội toàn những người quyền quý. Thêm vào đó, việc trồng cam, chanh… ở châu Âu không phải việc dễ dàng vì khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng ở đây khác hẳn với quê hương Đông Á, Đông Nam Á… của chúng. Cũng bởi vì sự khác biệt về khí hậu và thổ nhưỡng ấy mà mãi đến thế kỉ XV, các loài thuộc chi Citrus mới vượt khỏi dãy Alps để tiến vào Trung Âu. Ở miền Nam nước Đức, những người thợ làm vườn của hoàng gia đã nghĩ là cách trồng cam, chanh… vào những thùng cây bằng gỗ để ổn định nhiệt độ và có thể bê vào trong nhà khi trời trở nên quá lạnh. Về sau, khi kỹ thuật cơ khí phát triển thì nhiều căn nhà kính đã được xây dựng riêng để trồng các loài thuộc chi Citrus (dĩ nhiên là chuyện ấy xảy ra trước khi những căn nhà kính khổng lồ được xây dựng để trồng các loài cây đến từ vùng Nhiệt đới như đã kể ở những số đầu tiên của loạt bài này).


Bên cạnh cam, chanh, quýt… thì các loài như chà là, lựu, hạnh nhân… cũng được người Hồi giáo mang tới châu Âu rồi dần “di cư” sang phía Bắc dãy Alps với cách trồng trong hộc gỗ đã mô tả ở trên. Tuy nhiên, do khả năng chịu lạnh khác nhau nên các loài này cũng được chăm sóc theo những cách khác nhau. Ví dụ như lựu là cây có thể chịu lạnh tốt hơn chanh thì không cần phải mang vào nhà vào mùa đông có để đặt cạnh một bức tường cao và kín gió để đây không phải hứng chịu sự tấn công trực tiếp của gió lạnh. 


Như vậy, sau bốn kỳ cùng nhau tìm hiểu, chúng ta đã thấy rằng người Hồi giáo đã mang văn hoá, ngôn ngữ, những nguyên tắc tạo hình và không ít giống cây đi khắp nơi trên con đường giao thương và mở rộng lãnh thổ. Điều đó đã khiến nghệ thuật hoa viên Hồi giáo đó trở thành khởi nguyên của rất nhiều thứ như đã kể ở trên (và nhiều thứ nữa chưa kịp kể). Nhưng nếu có một vài đọc giả còn lăn tăn về việc liệu rằng các nguyên tắc hay hình mẫu mà vườn Hồi giáo đưa ra có đủ ảnh hưởng đến ngành Cảnh quan nước nhà đến mức chúng ta phải lưu tâm tìm hiểu hay không thì tôi lại có một câu hỏi nho nhỏ dành cho những người ấy như sau:

Bạn đã bao giờ được dạy rằng những loài cây có dáng thẳng đứng, hình búp (như hoàng nam, tùng búp…) thường được trồng thành hàng để dẫn đường chưa? Bạn có biết kiểu chồng hai hàng cây hình búp dọc theo lối đi hoặc kênh nước từ đâu mà đến không?

Tôi nghĩ là bạn biết câu trả lời rồi đó.

Kỳ Phong


x

Get A Quote