Phong cách của một khu vườn – Số 11: Nghệ thuật hoa viên Hồi giáo – khởi nguyên của… rất nhiều thứ P3

Những ảnh hưởng không thể phai mờ


Ma Rốc (Morocco) là một quốc gia ở Bắc Phi từng chịu sự “bảo hộ” của Pháp và Tây Ban Nha trong giai đoạn 1912 – 1956. Tình trạng kinh tế yếu kém và nợ nước ngoài đầu thế kỷ XX đã khiến cho đất nước này bị đặt dưới quyền “giám hộ” của các nước châu Âu theo hiệp ước Algeciras (1906) rồi bị Pháp kiểm soát, bị Tây Ban Nha xâu xé sau hiệp ước Fès (1912). Giai đoạn bị bảo hộ là trang sử buồn của Ma Rốc, nhất là khi đất nước này từng có một quá khứ huy hoàng, kiểm soát cả eo biển Gibraltar lẫn miền Nam Tây Ban.


Thông tin thêm cho những bạn đọc nào chưa biết thì eo biển Gilbraltal là “cánh cổng” nối Địa Trung Hải với Đại Tây Dương, và là ranh giới giữa Bắc Phi và Tây Âu. Chính vị trí cửa ngõ này đã mở đường cho Ma Rốc mang văn hoá Hồi giáo đến Âu châu khi nước này kiểm soát một lãnh thổ trải dài từ Bắc Phi sang Nam Âu. Nhìn một cách tổng thể hơn thì trong lúc quá trình phát triển của châu Âu bị gián đoạn bởi “Đêm trường Trung cổ” thì các nước Ả Rập vẫn tiếp tục tiến lên dưới sự định hướng của Hồi giáo. Cùng với đó là sự bành trướng của người Ả Rập trong giai đoạn thế kỷ VIII – thế kỷ X đã làm văn hoá Hồi giáo trải rộng khắp vùng Địa Trung Hải, từ bán đảo Ả Rập sang Bắc Phi, từ Sicily sang Tây Ban Nha. Và lẽ dĩ nhiên, nghệ thuật hoa viên là một trong những thành tố văn hoá có nhiều ảnh hưởng nhất trong thời kỳ này vì (nếu các bạn còn nhớ thì) như tôi đã nói ở kỳ trước, giai đoạn Trung cổ là thời gian mà ở châu Âu hầu như chỉ có những khu vườn hạn hẹp được tạo ra bởi những tư tưởng không hề rộng mở và kiểu vườn ấy hầu như không để lại ảnh hưởng gì đáng kể. Nó hoàn toàn lép vế khi cạnh tranh ảnh hưởng với nền nghệ thuật hoa viên ngày càng rực rỡ của Hồi giáo. Và những ví dụ điển hình về một khu vườn Hồi giáo trên đất châu Âu từ giai đoạn Trung cổ vẫn có thể được tìm thấy ở các thành phố Córdoba, Granada và Sevilla thuộc Tây Ban Nha. 


Một trong những ảnh hưởng dễ dàng nhận thấy nhất của nghệ thuật hoa viên Hồi giáo là những hành lang vòm (Patio) và ví dụ xa xưa nhất của kiểu hành lang này nằm trong vườn cam của nhà thờ Hồi giáo thành Córdoba. Đây là kiểu hành lang bao quanh khu vườn hình chữ nhật, có một bên là tường xây kín, một bên là những mái vòm thanh nhã được chống đỡ bởi hàng cột đều tăm tắp nhìn về phía khu vườn. Kiểu hành lang vòm (Patio) bao quanh một khu vườn kín như thế này về sau lại được chính các tu sĩ Công giáo tiếp thu và áp dụng cho những khu vườn nằm trong nội vi của đan viện, tu viện, chủng viện… hay thậm chí là thánh đường. Rồi từ đó, nó đi vào những công trình dân dụng, những dinh thự của tầng lớp quý tộc Tây Ban Nha, Ý, Đức… Vậy nên, trong các cuộc dạo chơi ở châu Âu, không khó để bắt gặp những hành lang như thế…


Ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của nghệ thuật hoa viên Hồi giáo đến cảnh quan châu Âu là mặt bằng theo từng ô vuông vức và những con đường thẳng tắp, hay nói một cách tổng quát và trừu tượng hơn là kết cấu hình học, tính thống nhất và trật tự trong thiết kế. Những đặc tính này bắt đầu lan rộng ở châu Âu khi mà người Công giáo tiến công chiếm lại các vùng đất mà người Hồi giáo đang kiểm soát ở miền Nam Tây Ban Nha. Và ví dụ điển hình nhất cho giai đoạn giao thoa chuyển tiếp này là những khu vườn ở Sevilla.


Thành phố Sevilla kể trên bị người Hồi giáo xâm lược vào năm 712, phát triển dưới sự cai trị của Ma Rốc, rồi bị người Công giáo chiếm lại vào năm 1248. Sau đó, chính quyền Công giáo đã tài trợ cho những người thợ thủ công và nghệ nhân Hồi giáo còn lưu lại thành phố để tạo nên những khu vườn mang phong cách giao thoa giữa hai tôn giáo này với tên gọi Mudejar. Phong cách Mudejar vẫn giữ lại những hành lang vòm (Patio), vẫn chia khu vườn thành những ô có mặt bằng hình học nhưng không nhất thiết phải là 4 ô lớn được ngăn cách bởi 4 dòng kênh như kiểu vườn Chahar-bagh ở Ả Rập trong cùng thời kỳ mà có thể là 8 ô, 10 ô, 12 ô… như những khu vườn Hồi giáo phức tạp. Các ô trong vườn được ngăn cách bằng những con đường lát đá hoặc gạch men. Bên cạnh đó, chòi nghỉ và đài phun nước cũng không nhất thiết phải nằm ở trung tâm vườn mà có thể nằm ở bất cứ góc nào thích hợp. Nhìn chung thì những người Công giáo chỉ muốn giữ lại những đặc điểm tạo hình tiêu biểu của Hồi giáo chứ không để tâm đến diễn giải về Thiên đường hay vườn Địa đàng của như người Ả Rập. 


Từ Sevilla, phong cách Mudejar dần ảnh hưởng đến các nước Công giáo châu Âu, trở thành nguồn cảm hứng hay thậm chí là một phần khởi nguyên của vườn Ý thời Phục hưng, vườn cổ điển Pháp, vườn cổ điển Hà Lan… Tính trật tự và thống nhất được phát triển thành tính đối xứng, những ô vườn đều tăm tắp phát triển thành những ô trồng cây xanh cắt tỉa theo hoa văn hình học, những con đường thẳng tắp được giữ lại và trở thành những trục cảnh quan… Tuy nhiên, những điều đã nói ở trên… chưa phải là tất cả. Nếu như các đọc giả thân mến để ý thì từ đầu đến giờ và trong cả tiêu đề, tôi luôn dùng “nghệ thuật hoa viên Hồi giáo” chứ không phải “phong cách Hồi giáo” hay “vườn Hồi giáo”. Tại sao lại như vậy? Kính mời quý đọc giả tham gia trả lời dưới phần bình luận trước khi đến với phần tiếp theo của loạt bài “Phong cách của một khu vườn” thuộc chuyên mục “Chuyện cảnh quan” của silvercloudgarden.com.

Kỳ Phong


x

Get A Quote