Phong cách của một khu vườn – Số 10: Nghệ thuật hoa viên Hồi giáo – khởi nguyên của… rất nhiều thứ P2

Kế thừa và phát huy vai trò tiên phong

Sau khi đế chế La Mã sụp đổ, châu Âu rơi vào giai đoạn mà các sử gia gọi là “đêm trường Trung Cổ” hay “Thời kỳ Tăm tối”. Bất ổn và loạn lạc, đây là thời kỳ chứng kiến nhiều bước thụt lùi trong văn hoá – nghệ thuật, suy thoái kinh tế – chính trị, gia tăng binh biến và bệnh dịch. Về mặt Cảnh quan, đây có thể xem là lời kỳ của những khu vườn hạn hẹp, được tạo ra với tâm lý ẩn nấp sau những bức tường khép kín, lâu đài hay công sự. Tâm lý cảnh giác của người châu Âu thời Trung cổ đã bị đẩy cao đến mức có những gia đình hoàn toàn không làm cửa ra vào cho tầng trệt mà xây kín lại như một cái móng cao chót vót rồi bắc một chiếc thang dẫn thẳng lên tầng lầu. Đêm đến, khi trời đã tối và đường phố trở nên nguy hiểm, gia nhân trong nhà sẽ kéo cái thang duy nhất lên và cất đi, thế là chẳng còn ai ra vào được nữa. Mãi cho đến ngày hôm nay, một trong những căn nhà kiểu đó vẫn còn đứng vững trên đường Simeon (thành phố Trier, CHLB Đức) như một minh chứng cho thời kỳ mà hiểm nguy luôn rình rập.


Trái ngược châu Âu với tiến trình phát triển bị gián đoạn, bán đảo Ả Rập đã kế thừa các thành tựu của nền văn minh Lưỡng Hà và đế chế Ba Tư cổ đại để tiếp tục tiến tới trong văn hoá và giáo dục. Đến khoảng thế kỷ thứ VIII thì văn hoá Hồi giáo từ bán đảo Ả Rập đã bắt đầu lan rộng khắp vùng Địa Trung Hải. Nghệ thuật hoa viên Hồi giáo cũng theo đó mà vươn tầm ảnh hưởng đến Bắc Phi, Tây Ban Nha rồi sang cả châu Âu.


Tuy nhiên, trước khi nói sâu hơn về tiến trình lịch sử đáng tự hào của nghệ thuật hoa viên Hồi giáo, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về nội dung mà tôi đã khơi gợi ở cuối kỳ trước. Nếu bạn còn nhớ thì đó là nội dung giới thiệu kiểu vườn cơ bản đã kế thừa những thành tựu của Đế chế Ba Tư, kết hợp với các nguyên tắc Hồi giáo để tạo nên hình mẫu của nhiều phong cách cảnh quan:


Kiểu vườn bốn ô (Chahar-bagh)


Kiểu vườn Chahar-bagh đã có từ trước nhưng những ví dụ cổ xưa nhất còn được biết đến của kiểu vườn này ở Trung Á là vào thời Timur (Thiếp Mộc Nhi, 1336  – 1405) thành lập và trị vì Đế chế Timurid. Nói một chút về nhân vật lịch sử này thì Timur được xem là một trong những du mục cuối cùng trên thảo nguyên Á – Âu tiến hành chinh phạt khắp các nơi. Đội quân đa sắc tộc của ông đã gieo rắt nỗi khiếp sợ trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu bằng các cuộc bành trướng và xâm lược đẫm máu. Các học giả ước tính rằng những chiến dịch quân sự của ông đã gây ra cái chết của 17 triệu người, chiếm khoảng 5% dân số thế giới vào thời điểm đó. Nhưng đồng thời, ông cũng là một người bảo trợ cho sự phát triển của khoa học và nghệ thuật. Dưới thời của ông và người kế vị (Khalil Sultan), khoa học và nghệ thuật Hồi giáo bước vào thời hoàng kim. Cũng chính vì thế mà nghệ thuật hoa viên với kiểu vườn Chahar-bagh có cơ hội phát triển với các đặc điểm như:

  • Khu vườn vuông vức được chia thành bốn ô bởi bốn kênh nước đại diện cho sông sữa tươi, sông mật ong, sông nước tinh khiết và sông rượu được nói đến trong kinh Qur’an (phần mô tả thiên đường).

  • Ở giữa vườn, nơi giao nhau của bốn dòng kênh là một đài phun nước hoặc một chòi nghỉ.

  • Gạch và đá lát có hoa văn hình học hoặc cây lá được sử dụng để thay thế cho những đường nét trang trí có hình người hay động vật đã bị cấm theo luật Hồi giáo.

  • Vườn không chỉ trồng hoa và còn bổ sung thêm thảo mộc và rất nhiều cây ăn trái để phục vụ cho nhu cầu của chủ sở hữu.

  • Có những hàng cây dạng búp trồng hai bên kênh nước hoặc đường đi để “dẫn đường” và tập trung ánh nhìn (đặc điểm này, đến ngày nay chúng ta vẫn còn có thể bắt gặp trong nhiều khu vườn trang trọng).

  • Có tường rào hoặc những hành lang xây kín một bên bao bọc lấy khu vườn, biến nó thành sân trong.

Bên cạnh đó, sự phồn vinh của đế chế Timurid cùng sự thành công trong thẩm mỹ và công năng của kiểu vườn Chahar-bagh đã giúp nó lan rộng, được tiếp thu bởi nhiều đế chế khác, trở thành tiền thân của các kiểu vườn phức tạp mô phỏng thiên đường theo tinh thần Hồi giáo ở Ấn Độ (thời đế chế Mughal), Kashmir…


Tuy nhiên, trước cả những ví dụ cổ xưa nhất còn được biết đến của kiểu vườn Chahar-bagh trên bán đảo Ả Rập được kiến tạo, thì nghệ thuật hoa viên Hồi giáo đã được truyền sang Bắc Phi, Tây Ban Nha rồi Châu Âu theo con đường mà tôi sẽ kể trong số tiếp theo của chuyên mục “Phong cách của một khu vườn” với tiêu đề:


Những ảnh hưởng không thể phai mờ

Kỳ Phong

x

Get A Quote