Ráy Voi: Dạ… thì tụi em không ăn bám được nên tụi em phải tìm cách tối đa hoá lượng nắng mà mình hứng được và tiêu xài một cách dè xẻn. Vậy nên họ hàng nhà Ráy chúng em đã tiến hoá ra những chiếc lá thật lớn để hứng được nhiều nắng và thật mỏng để tiết kiệm dưỡng chất.
Monstera: Nhưng như thế là chưa đủ. Dù sao đi nữa thì thực vật sống ở tầng thấp nhất của rừng cũng chỉ nhận được những tia nắng ít ỏi, phân tán và yếu ớt. Vậy nên các chi thuộc phân họ Monsteroideae như Monstera chúng em, các chị Epipremnum, các anh Rhaphidophora… đã tiến hóa để trở thành cây leo, thanh gia vào tầng nhiều thay đổi nhất của rừng: tầng vượt tán.
Mr Đại: Thật ra là bán leo thôi vì trong nhiều trường hợp, các cây thuộc phân họ này vẫn có thể bò trên mặt đất hoặc rũ xuống từ một điểm cao nào đó.
Monstera: Dạ, thì bán leo. Mà như thế nghĩa là có leo rồi. Và cây leo mà có một cái lá vừa to vừa mỏng như bé Ráy thì quả là nguy hiểm vì gió và những loài động vật có tập tính leo trèo như khỉ, voọc, vượn, mèo… có thể làm cho những chiếc lá xinh đẹp ấy rách bươm.
Subincisum: Đó là lý do mà tôi có lá dày.
Monstera: Dạ phải, nhưng ngay cả khi những chiếc lá đã dày lên như các chị Subincisum thì kích thước lá cũng bị hạn chế bởi các vấn đề cơ học. Vì rõ ràng là chúng ta chưa thể tiến hóa để có một bộ cuống và gân chắc như giàn khung thép và căng một chiếc lá rộng như cái dù.
Ký giả: Và em đã giải quyết vấn đề ấy như thế nào?
Monstera: Dạ tụi em đã tiến hóa để có thuỳ và lỗ…
Ký giả: Khoan, dừng khoảng chừng là hai giây để anh giải thích cho một số độc giả biết thuỳ là gì nha. Thuỳ là phần phiến lá được tạo ra từ những đường xẻ sâu hướng về phía gân chính hoặc cuốn lá, hiểu nôm na là phần lá trông giống như những ngón tay trên một bàn tay ấy. Cơ mà, thuỳ không nhất thiết phải được tạo nên từ những vết xẻ sâu và rõ ràng như ở Monstera, đôi lúc chúng chỉ nho nhỏ như trên lá cọ.
Monstera: Dạ vâng, nhưng thuỳ của Monstera tụi em thì rất rõ và trên phiến lá thì còn có cả lỗ nữa.
Ráy Voi: Ủa khoan, cho em hỏi một xíu. Chẳng phải những chiếc lá thật đầu tiên của anh cũng tròn trịa như lá môn, lá ráy, lá subincisum… sao?
Monstera: Đúng vậy, và vấn đề nằm ở độ cao mà Monstera bọn anh có thể vươn tới. Khi bọn anh còn nhỏ, sống ở tầng dưới cùng của rừng mưa Nhiệt đới, bọn anh không có đủ ánh sáng để nuôi dưỡng những chiếc lá đồ sộ, thân bọn anh cũng không đủ chắc để chống đỡ một chiếc lá quá nặng, thành ra bọn anh đành chấp nhận những chiếc lá nhỏ nhỏ xinh xinh, mà như đã phân tích ở trên, nhỏ thì không cần phải có thuỳ. Khi bọn anh trưởng thành, leo lên tầng trên của tán rừng, hứng được nhiều nắng hơn, bọn anh đủ sức để sản sinh ra những chiếc lá khổng lồ thì thuỳ và lỗ cũng trở nên cần thiết.
Ráy Voi: Ủa nhưng mà thuỳ và lỗ cũng tạo nên nhiều khoảng trống trên phiến lá, thế thì làm sao anh hứng được nhiều nắng nữa?
Monstera: À, đó là vấn đề xác suất đó em. Monstera bọn anh dù có leo cao đến đâu đi nữa thì cũng nằm bên dưới tán rừng vì bọn anh không thể chịu được ánh sáng Mặt Trời lúc giữa trưa, nó sẽ làm bọn anh bị cháy. Mà như vậy nghĩa là bọn anh vẫn phải hứng những tia nắng đã xuyên qua tán lá. Với cùng một lượng vật chất và năng lượng để tạo nên một chiếc lá thì chiếc lá khổng lồ có thuỳ và lỗ sẽ hứng được nhiều tia nắng hơn một chiếc lá to vừa phải mà lành lặn.
Ký giả: Ồ, em lại còn biết cả xác suất thống kê cơ à?
Monstera: Dạ không ạ, đã có một nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và chứng minh khẳng định ấy, em chỉ đang thuật lại thôi.
Ký giả: Ra vậy. Giờ thì anh hiểu tại sao Montera (Trầu bà lá xẻ Nam Mỹ) lại có lỗ rồi. Thế nhưng mà nghe em giải thích xong anh lại có thêm một thắc mắc nữa…
Monstera: Dạ anh cứ nói đi ạ.
Ký giả: Đó là bạn Đinh Lăng, bạn ấy đâu có leo lên khỏi tán rừng đâu mà vẫn có thuỳ, thậm chí là thuỳ xẻ sâu đến tận gân lá, đến nỗi người ta còn tưởng là bạn ấy có lá kép…